Không chỉ tăng tốc mà còn phải bứt phá

Chính phủ xác định, năm 2024 không chỉ là năm tăng tốc, mà còn phải bứt phá, bởi đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Sự trở lại của Nghị quyết 02 song hành Nghị quyết 01 trong tuần đầu của năm mới, như để khẳng định mạnh mẽ về 'khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng' - lời trong Nghị quyết.

Khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp. Ảnh: TL

Khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp. Ảnh: TL

Vẫn chưa rõ đáy

Để có thể tăng tốc và bứt phá trong năm 2024, chắc chắn đòi hỏi một quyết tâm phi thường và một nỗ lực cao chưa từng có. Bởi, ngay ở nơi vẫn được coi là điểm sáng vượt khó nổi trội, vượt khó không ngừng nghỉ, kiên cường vượt khó như Tập đoàn Dệt may, thì doanh nghiệp này vẫn chưa thể có nhiều lạc quan. Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử của ngành khi chưa bao giờ gặp khó khăn như vậy. Kể cả thời kỳ Covid-19, khi cả thế giới và Việt Nam cùng đóng cửa, nhưng tập đoàn vẫn có đơn hàng phòng dịch, khẩu trang. Nhưng năm 2023 là câu chuyện khác hoàn toàn. Và kể cả lúc đã bước sang năm mới, nhiều đơn vị của tập đoàn vẫn cảm nhận khó khăn chưa biết điểm dừng lúc nào.

“Kiềng 3 chân” của GDP

3 Nghị quyết của Quốc hội được cấp tập ban hành được ví như “kiềng ba chân” cứu cho tăng trưởng GDP. Đó là Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 101 ngày 24/6/2023 và mới nhất là Nghị quyết số 110 ngày 29/11/2023 tiếp tục cho phép giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất này đến hết ngày 30/6/2024.

“Kiềng 3 chân” đã giúp nền kinh tế ứng phó với các “cơn gió ngược” từ các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu và theo đó, tăng trưởng GDP năm 2022 tăng đến 8,02%, năm 2023 dù thấp hơn mục tiêu song vẫn tăng 5,05% - trở thành điểm sáng tăng trưởng toàn cầu, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với năm 2024, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 đến 6,5%.

Chưa rõ đâu là đáy của khó khăn cũng là nỗi thấp thỏm chung của cả cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin dự báo từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động năm 2024 có thể lên đến hơn 178.000 doanh nghiệp, tăng hơn 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có khoảng 10% số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.

“Thủ phủ” kinh tế của cả nước là TP. HCM, các chuyên gia lo ngại tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của TP. HCM dễ lặp lại kịch bản tiêu cực như cùng kỳ năm ngoái mà họ gọi là “rơi tự do” ở mức 0,7%. Nhóm chuyên gia Trường đại học Kinh tế - Luật TP. HCM nhận định, dù có sự phục hồi nhẹ ở một số khu vực kinh tế, nhưng kinh tế TP. HCM sẽ tiếp tục khó khăn đến ít nhất cuối quý II/2024. Lãi suất liên tục giảm nhưng tín dụng tại TP. HCM không tăng như kỳ vọng. Suốt năm 2023, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm liên tục, thậm chí tại thời điểm tháng 12/2023 giảm sâu so với trước dịch Covid-19, nhưng vốn vẫn không được hấp thụ, chứng tỏ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP. HCM không có nhu cầu, cũng như chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Còn thông tin từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2023 dù lãi suất tiền gửi liên tục lao dốc, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Từ khóa “Kiên cường”

Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận, tình hình năm 2024 khó khăn và có thể còn khó khăn hơn cả năm 2023 và yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần “5 quyết tâm”: quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Và từ khóa của năm 2023 được nhiều tổ chức quốc tế gọi tên khi nhắc đến Việt Nam là hai từ “kiên cường” sẽ được tiếp tục trong năm 2024. Tại TP. HCM, thấy rằng năm 2024 thành phố vẫn tiếp tục phải lên dốc trong cơn gió, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên tin tưởng TP. HCM đã có kinh nghiệm ứng phó với các tình huống khó khăn, thích ứng với tình hình mới nên sẽ hoàn thành được các mục tiêu đề ra dù chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 7,5-8% là chỉ tiêu cao và thách thức rất lớn.

Khách du lịch đến với Đà Nẵng Ảnh minh họa

Khách du lịch đến với Đà Nẵng Ảnh minh họa

Tại Đà Nẵng, nơi mệnh danh thành phố đáng sống nhất Việt Nam vừa kết thúc chặng đường năm 2023 với mức tăng GDP rất khiêm tốn và nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh quyết tâm năm 2024 là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm buộc Đà Nẵng phải tăng tốc mạnh. Chủ tịch TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh quả quyết: “Năm 2024 là năm của hàng động”. TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) ước tăng 8-8,5% so với ước thực hiện 2023.

Vào lúc này, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Tạo điểm tựa phục hồi

Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 nêu bật nhiệm vụ hàng đầu trong số 12 nhiệm vụ, là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".

Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Trong suốt 5 năm 2016 - 2021, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 luôn đi cùng nhau, mang đến cho cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp thông điệp của Chính phủ: Kinh tế muốn phát triển thì doanh nghiệp phải được quan tâm phát triển. Theo đó, đây là thời kỳ ghi nhận sự bùng nổ về tinh thần hăng hái xông pha sản xuất kinh doanh của cả cộng đồng doanh nghiệp. Sau năm 2021, Nghị quyết 02 gộp vào Nghị quyết 01. Và năm 2024, Nghị quyết 02 được trở lại, nêu rõ mục tiêu phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Nguyên Mẫn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-chi-tang-toc-ma-con-phai-but-pha-143403-143403.html