Không chỉ trông chờ vào các dự án chống ngập
Cũng như các đô thị lớn trên cả nước, TP.Biên Hòa đang đối diện với tình trạng nhiều tuyến đường ngập nước khi có mưa. Điệp khúc hễ mưa là ngập ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân, mỹ quan đô thị.
Biên Hòa là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước với hơn 1,2 triệu dân. Tình trạng nhiều tuyến đường biến thành “sông” khi có mưa cho thấy quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng đô thị với mật độ cao; ngay cả vùng ven vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp cũng được chuyển mục đích xây dựng các khu dân cư. Tình hình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều ao, mương thoát nước tự nhiên bị san lấp để xây dựng nhà cửa, đường đi đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước tự nhiên.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ kỹ, quá tải, dẫn đến nước thoát không kịp gây ngập cục bộ. Qua đó cho thấy công tác quy hoạch đất nói chung, quy hoạch hạ tầng (trong đó có hệ thống mương thoát nước) nói riêng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát nước chung của toàn thành phố. Do đó, trong thời gian tới, công tác quy hoạch đất đai, đô thị, cơ sở hạ tầng cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng, nhất là cần chú trọng triển khai các hạng mục mương, cống thoát nước khi triển khai các dự án dân cư, đường giao thông.
Ngoài thực hiện các dự án chống ngập quy mô lớn tại các khu vực ngập nặng, thành phố cũng cần thường xuyên tổ chức nạo vét các mương, cống thoát nước; xử phạt nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sông, suối, mương thoát nước tự nhiên. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có cảnh báo trước nguy cơ ngập lụt, lũ cục bộ tại các khu vực trũng, thấp, thường xuyên xảy ra lũ lụt, ngập bất ngờ nhằm hạn chế thiệt hại đến nhà cửa, hoa màu, tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, công tác chống ngập không chỉ trông chờ hoàn toàn vào các ngành chức năng, mà ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Những hành động nhỏ như: bỏ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp vệ sinh ở khu dân cư, nhất là ở các miệng cống, mương thoát nước… có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế làm tắc nghẽn dòng chảy, đẩy nhanh quá trình thoát nước khi có mưa to. Việc giảm lượng rác thải xả bừa bãi sẽ giúp dòng chảy đỡ bị cản trở khi mưa lớn, nhờ đó nước cũng thoát nhanh hơn, ngăn tình trạng “phố thành sông”, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện diện mạo đô thị, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.