Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/7 nói, dân số già hóa đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nếu không tăng viện trợ liên bang.
Bà Raimondo cho rằng, nếu không hành động, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động lớn, gây khó khăn cho phụ nữ khi quay trở lại làm việc hay duy trì công việc sau khi hàng triệu phụ nữ đã phải nghỉ việc trong đại dịch để chăm sóc con cái do trường học đóng cửa.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết, 1,5 triệu phụ nữ sẽ không thể quay lại với công việc sau khi nghỉ việc để chăm sóc con cái, người già và những người họ hàng bị tàn tật.
Theo các quan chức chính phủ và nhiều chuyên gia, khi những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số hậu Thế chiến II trở thành những người cao tuổi, tình trạng thiếu nghiêm trọng người chăm sóc sẽ diễn ra.
Điều tra dân số gần đây nhất cho thấy, hiện có 16,5% trong dân số 328 triệu người Mỹ, hay 54 triệu người, trên 65 tuổi. Vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên 74 triệu. Số người trên 85 tuổi, những người cần sự chăm sóc nhất, thậm chí còn tăng nhanh hơn.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3/2021 đã đề xuất tăng ngân sách cho chương trình Medicaid, chương trình y tế liên bang dành cho những người Mỹ có thu nhập thấp, thêm 400 tỷ USD trong một thập kỷ để chi trả cho việc chăm sóc người già và người khuyết tật tại nhà.
Theo bà Raimondo, ông Biden vẫn cam kết con số trên và các chi tiết của dự luật vẫn đang được cân nhắc. Tuy nhiên, ông Biden chưa nhận được đủ sự ủng hộ từ các nghị sỹ đảng Dân chủ cho đề xuất tăng ngân sách cho Medicaid.
Cũng giống Mỹ, tại Trung Quốc, dân số đến tuổi lao động liên tục giảm hơn 3 triệu người mỗi năm kể từ 2012 và ngày càng giảm mạnh. Dự kiến, trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14, tức 2021-2025, số người ở độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm thêm 35 triệu, trong khi người cao tuổi lại tăng lên hơn 300 triệu.