Không chịu áp lực 'Sell in May', thị trường... tăng tới cuối năm?
Cú 'trượt chân' của thị trường chứng khoán thế giới vào giữa tháng 5/2021 chỉ trùng hợp với thời điểm 'Sell in May' khi các 'tay to' dịch chuyển dòng tiền giữa các lớp tài sản...
“Sell in May” có thể đúng với cả thị trường nhưng có thể không đúng với ngành hàng vì quy luật của cổ phiếu công nghệ khác với những cổ phiếu mang tính chu kỳ hay thời vụ.
Còn tại Việt Nam, TS. Võ Đình Trí, Giảng viên chuyên ngành Tài chính – Bảo hiểm, Trường Kinh doanh IPAG (IPAG Business School Paris, Pháp) cho rằng thị trường chứng khoán sẽ ổn định, kỳ vọng tăng mạnh như trước không còn.
Đã gần một tháng kể từ khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn mà giới đầu tư hay nhắc tới là “Sell in May”, ông đánh giá như thế nào về diễn biến thị trường trong thời gian này?
“Sell in May and go away” vẫn được xem là một chiến lược đầu tư đối với cổ phiếu, tức là trong khoảng thời gian từ tháng 11-tháng 4, thị trường tăng mạnh so với tháng 5- tháng 10. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bán vào đầu tháng 5 và thu tiền về, chờ đợi và mua lại vào dịp tháng 11.
Nhưng quy luật năm nay khác năm ngoái và diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán kể từ cuối quý 1/2020 cho tới bây giờ không tương quan với kỳ vọng về phát triển kinh tế. Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán đã tăng quá mạnh so với sự hồi phục của nền kinh tế.
Nhận định về diễn biến “Sell in May” ở Việt Nam là rất khó vì chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu thực chứng trong khi thị trường quốc tế đã đánh giá dựa trên số liệu quan sát hàng chục năm nay. Chẳng hạn, Mỹ và châu Âu họ quan sát thị trường 40-50 năm mới làm thống kê và tính ra quy luật “Sell in May and Go away”.TS. Võ Đình Trí
Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 19/5, thị trường có cú “tụt dốc” rất lớn, nhưng không phải bắt nguồn từ quy luật “sell in May” mà chỉ là sự trùng hợp. Lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, các ngân hàng trung ương như ECB và FED đã có nhiều động thái thừa nhận áp lực lạm phát cho dù không có tuyên bố chính thức. Vì vậy, khả năng các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ hoặc tăng lãi suất thời gian tới là rất lớn.
Ngay lập tức, thị trường đã có phản ứng chính sách. Chẳng hạn như mới đây, lãi suất trái phiếu Chính phủ Đức đã lên 0% sau nhiều năm liên tục ở mức âm. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu điều chỉnh danh mục đầu tư, chốt lời hay rút bớt tiền khỏi thị trường chứng khoán.
Riêng phiên giao dịch ngày 19/5, thị trường “sập” phần lớn là do nỗi sợ lạm phát và thông tin các ngân hàng trung ương như Trung Quốc và FED sẽ siết lại đồng tiền mã hóa. Trước đó vài phiên hay thậm chí vài tháng, nhiều “tay to” trên thị trường đã tìm cách chốt lãi khi có nguồn tin từ các cuộc họp kín, trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân hiện vẫn đang nắm giữ một lượng lớn tiền mã hóa và cổ phiếu công nghệ. Tuy vậy, sau “cú sập” mạnh, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi mạnh mẽ.
Đó là thị trường thế giới. Còn “Sell in May” ở Việt Nam thì sao, thưa ông?
Thị trường chứng khoán của Việt Nam khá nhỏ nên chịu tác động từ thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy vậy, thị trường Việt Nam thường phản ứng theo thị trường chứng khoán Mỹ, nghĩa là thị trường Mỹ tăng thì thị trường Việt Nam cũng sẽ tăng.
Tuy nhiên, để nhận định về diễn biến “Sell in May” ở Việt Nam là rất khó vì chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu thực chứng trong khi thị trường quốc tế đã đánh giá dựa trên số liệu quan sát hàng chục năm nay. Chẳng hạn, Mỹ và châu Âu họ quan sát thị trường 40-50 năm mới làm thống kê và tính ra quy luật “Sell in May and go away”.
Hơn thế nữa, “Sell in May” có thể đúng với cả thị trường nhưng có thể không đúng với ngành hàng vì quy luật của cổ phiếu công nghệ khác với những cổ phiếu mang tính chu kỳ hay thời vụ.
Liệu rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có hiện tượng “sập” do lực bán quá mạnh và tâm lý chốt lời của nhiều nhà đầu tư không, thưa ông?
Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cho phép bán khống, đồng thời cũng có quy định liên quan tới biên độ giao dịch và nhiều công cụ “ngắt cầu dao” để tránh làm cổ phiếu có biên động dao động mạnh trong một số trường hợp. Vì vậy, tôi cho rằng, khả năng “rớt” mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất khó. Tuy vậy, từ giờ đến hết năm, thị trường vẫn sẽ có những phiên điều chỉnh song xu hướng chung là tăng.
Theo tôi, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã hút rất nhiều nhà đầu tư mới trong năm qua, các nhà đầu tư mới nên điều chỉnh mục tiêu và tầm nhìn dài hạn hơn, từ 2-3 năm hơn là chỉ trong ngắn hạn 3-6 tháng như trước kia vì thời điểm này “lướt sóng” cổ phiếu sẽ rất rủi ro. Có xác định như vậy, tâm lý của nhà đầu tư mới ổn định, không có sự hoang mang thi khi thị trường có biến động.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ ổn định song kỳ vọng tăng mạnh như trước không còn với những phiên điều chỉnh không quá mạnh.
https://epaper.vneconomy.vn/files/2021/05/25/tcktso41/index.html
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-chiu-ap-luc-sell-in-may-thi-truong-tang-toi-cuoi-nam.htm