Không chờ điểm thi lớp 10, nhiều gia đình rốt ráo tìm phương án dự phòng cho con

Lo sợ con tuột mất tấm vé vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh Hà Nội rốt ráo đi tìm các phương án dự phòng dù điểm chuẩn chưa được công bố.

Đạt học lực khá giỏi bốn năm liên tiếp, cùng nỗ lực không ngừng của con suốt thời gian ôn luyện, vợ chồng anh Phạm Văn Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt hết niềm tin vào cậu con trai út, khi chỉ đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Trương Định và THPT Việt Nam - Ba Lan trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay.

Tuy nhiên nằm ngoài dự tính, hôm đi thi con bị ốm sốt, đến khi đối chiếu đáp án và tự chấm điểm sau thi, kết quả con trai anh đạt khoảng 7 điểm môn Toán, 7,5 điểm Ngữ văn và 6 điểm tiếng Anh.

“So sánh với điểm chuẩn của các năm trước, tôi lo ngại con khó lòng đỗ được vào trường công lập mà gia đình đã đăng ký”, anh Thọ nói.

Còn làm bài thi lớp 10 không tốt như kỳ vọng, nhiều phụ huynh rốt ráo tìm các phương án dự phòng. (Ảnh minh họa)

Còn làm bài thi lớp 10 không tốt như kỳ vọng, nhiều phụ huynh rốt ráo tìm các phương án dự phòng. (Ảnh minh họa)

Theo nam phụ huynh, nếu con học kém thì bố mẹ đã có phương án từ ban đầu, không cho con thi hoặc tìm trường tư, đằng này con học khá giỏi, nhưng học tài thi phận, làm bài không tốt như mong muốn. Biết con khó lòng đỗ vào nguyện vọng đăng ký, anh Thọ và vợ đành lên phương án tìm trường phù hợp với hồ sơ xét tuyển của con cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.

Sau nhiều cân nhắc, gia đình anh quyết định nộp hồ sơ cho con vào trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng). Theo anh, nếu không đỗ vào trường công lập, việc chi tiền đảm bảo suất học tại trường tư thục cũng giúp gia đình yên tâm và giảm bớt áp lực cho con trong giai đoạn nước rút này.

Trường cách nhà hơn 5 km và 2 triệu đồng không quá lớn nên vợ chồng anh quyết định chi liền tay.

Chị Bùi Minh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tìm đến phương án cho con gái học ngoài công lập dù điểm chuẩn chưa được công bố. Chị Anh cho biết, sau khi hoàn thành các bài thi, gia đình và bản thân con xác định 70% không trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2.

“Tự chấm điểm, con bảo vẫn có khả năng trúng tuyển nguyện vọng 3, nhưng trường này lại ở khá xa nhà, nếu may mắn đỗ, đi học cũng rất vất vả”, chị Minh Anh nói.

Khi chồng nhắc đến việc cho con học nghề, chị Minh Anh ra sức phản đối vì không muốn phải lo toan, nghĩ về thị trường lao động quá sớm. Sau khi bàn bạc lại, chị quyết định tìm hiểu một số trường dân lập trên địa bàn để khi trượt công lập, con vẫn sẽ có môi trường học tập tốt, gắn bó trong 3 năm tới.

Quan sát những năm trước, nhiều bậc phụ huynh chủ quan không đăng ký xét tuyển, nộp phí giữ chỗ vào các trường tư thục. Đến khi con thi trượt lớp 10 công lập mới chạy đôn chạy đáo đi tìm trường thì đã quá muộn. Rút kinh nghiệm, chị Minh Anh chủ động lên kế hoạch tìm trường sớm cho con. Dù khoản phí giữ chỗ không hề nhỏ nhưng chị cũng chấp nhận.

Không chỉ anh Thọ, chị Minh Anh mà rất nhiều phụ huynh khác ở Hà Nội đang xuôi ngược khắp nơi để tìm chỗ cho con học để tránh rơi vào trạng thái bị động, nếu chẳng may con không đỗ lớp 10 trường công.

Trượt lớp 10 công lập không phải là hết

Theo cô Nguyễn Thảo Linh, giáo viên trường THPT Đông Anh (Hà Nội), nhiều học sinh và phụ huynh có chung tư tưởng, trượt lớp 10 công lập là hết. Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi không đỗ vào các trường công lập, cơ hội vẫn còn mở ra rất nhiều ở các trường dân lập và trường nghề.

Hiện các trường này được đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên có trình độ. "Mỗi trẻ sẽ có cách vào đời khác nhau. Đỗ lớp 10 công lập rồi tiếp tục tiến bước vào đại học không phải con đường tiến thân duy nhất", cô Linh nói.

Song song với việc tìm chỗ học, cô Linh nhấn mạnh phụ huynh cần đồng hành cùng con vượt qua cú sốc tâm lý, vì kết quả không được như mong muốn, chính các em là người buồn nhất.

Theo nữ giáo viên, trong cuộc đua vào lớp 10, nhiều phụ huynh đặt ra mục tiêu quá cao, vượt khả năng của con. Sự kỳ vọng này đã tạo ra áp lực vô hình, khiến các em không chỉ cảm thấy căng thẳng mà còn mất đi niềm vui trong học tập.

Kết thúc kỳ thi quan trọng, phụ huynh nên đồng cảm, chia sẻ thay vì mắng mỏ, so sánh, tạo áp lực khiến con cảm thấy như mình đang bị đẩy tới bước đường cùng.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Đây được đánh giá là kỳ thi có sự cạnh tranh khốc liệt, khi chỉ khoảng 60% thí sinh sẽ trúng tuyển vào các nguyện vọng công lập tương đương hơn 80.000 em. Còn lại khoảng hơn 50.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề.

Theo lịch, từ ngày 6/7 đến ngày 9/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại các trường.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khong-cho-diem-thi-lop-10-nhieu-gia-dinh-rot-rao-tim-phuong-an-du-phong-cho-con-ar877297.html