Nghiên cứu của Đại học Harvard: Có kiểu cha mẹ học vấn bình thường nhưng vẫn nuôi ra những đứa con xuất sắc nhờ nắm vững 4 điểm này

Trên thực tế, cha mẹ xuất sắc chưa chắc đã nuôi dạy được những đứa con xuất sắc...

Một giáo sư của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từng chia sẻ chuyện giáo dục con cái với các phóng viên. Ông cho biết, dù bản thân có rất nhiều kiến thức và năng lực mới được nhận vào Đại học Bắc Kinh nhưng ông lại cảm thấy bất lực khi dạy kèm cho chính con của mình.

"Dù tôi có sử dụng phương pháp nào thì điểm số của con tôi luôn đứng cuối lớp", vị giáo sư cho hay.

Trên thực tế, cha mẹ xuất sắc chưa chắc đã nuôi dạy được những đứa con xuất sắc. Tại sao lại như vậy? Đối với những bậc cha mẹ ưu tú, trong quá trình giáo dục con cái, họ thường hy vọng con cái cũng có thể xuất sắc như mình. Vì vậy, họ thường can thiệp vào mọi hành động của trẻ. Trong học tập, họ muốn con luôn phải đứng đầu. Nếu bị ép buộc quá mức theo cách này, con cái không những không biết ơn cha mẹ mà còn nảy sinh tâm lý nổi loạn.

Bộ phim "Lấy danh nghĩa người nhà" từng rất nổi tiếng ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Một trong những nhân vật gây ấn tượng là Tề Minh Nguyệt. Thời đi học, Minh Nguyệt luôn chịu nhiều sức ép của mẹ. Mẹ muốn cô phải đứng đầu lớp. Sự kiểm soát lâu dài của mẹ đã khiến Tề Minh Nguyệt phát triển tính cách nịnh nọt và ngoan ngoãn trong lớp. Tuy nhiên về sau, Tề Minh Nguyệt đã bộc phát sự nổi loạn.

Trong một lần cãi nhau với mẹ, cô thừa nhận nguyên nhân trượt kỳ thi tuyển sinh đại học là do cô cố tình viết ít đáp án hơn, chỉ để trốn khỏi mẹ. Có thể thấy, cha mẹ kiểm soát con cái quá nhiều sẽ không được con cái yêu thích.

Trong bộ phim nổi tiếng "Lớp học bổ túc ngân hà", nam diễn viên Đặng Siêu đã hóa thân thành một người cha tâm lý và có cách giáo dục con cực hay. Anh giúp con mình từ một học sinh kém cỏi trở thành một phi hành gia kiệt xuất. Khi con học dốt, anh không hề tức giận. Thay vào đó, anh khuyến khích con theo đuổi tri thức, đam mê, thúc đẩy sự phát triển của con.

Thực tế, cha mẹ có học vấn cao chưa chắc đã tạo nên được những đứa con xuất chúng. Cha mẹ học vấn bình thường nhưng nếu có phương pháp giáo dục đúng đắn thì hoàn toàn có thể khiến con cái "lội ngược dòng".

Thực tế, cha mẹ có học vấn cao chưa chắc đã tạo nên được những đứa con xuất chúng. Ảnh minh họa

Thực tế, cha mẹ có học vấn cao chưa chắc đã tạo nên được những đứa con xuất chúng. Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Ke Weilin - một giáo sư người Trung Quốc tại Đại học Harvard cho biết: Những đứa trẻ có thể trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ không phải chỉ nhờ chỉ số IQ cao.

Vị giáo sư này cho hay, những cao thủ học tập có nhiều thói quen giống nhau. Nếu như cha mẹ nắm bắt được phương pháp đúng đắn để nuôi dưỡng con cái thì không khó để con đạt được những thành tựu cao trong học tập.

Cha mẹ nhận thức được giá trị đúng đắn của việc học

Đúng vậy, kiểu cha mẹ nuôi dạy được con học giỏi, không nhất thiết phải là cha mẹ có học vấn cao, mà là kiểu cha mẹ nhận thức được: Tri thức có thể thay đổi vận mệnh. Học tập không bao giờ là vô ích!

Tại Trung Quốc, từng có một ông bố nông dân khiến nhiều người nể phục khi nuôi dạy con đỗ toàn những trường đại học danh giá top đầu cả nước. Con gái lớn thi đỗ Đại học Thanh Hoa. Con thứ hai thi đỗ Đại học Bắc Kinh. Tuy học vấn thấp nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ bắt các con nghỉ học để sớm đi làm phụ giúp mình. Thay vào đó, ông biết được chỉ có học tập mới khiến cuộc đời các con khá hơn cuộc đời mình, chỉ có tri thức mới giúp các con thoát khỏi vùng quê nghèo. Vì vậy, ông cố gắng làm lụng chăm chỉ để các con có điều kiện đi học.

Từ đây có thể thấy, việc cha mẹ có những giá trị sống đúng đắn là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nếu không nhấn mạnh cho con tầm quan trọng của việc học, nếu con đang chăm chỉ học tập mà lại ra rả nói rằng "học nhiều làm gì, học nhiều sau này cũng chỉ lấy chồng, sinh con" thì con cái không bao giờ có thể đạt được học vấn cao.

Bên cạnh đó, có một điều nữa cũng khiến cha mẹ học vấn thấp nhiều khi lại nuôi dạy ra được những đứa con học giỏi. Trong quá trình nuôi dạy con cái, có một quy luật là cha mẹ quá siêng năng thường nuôi dạy những "đứa con lười biếng".

Trong quá trình kèm con trong học tập, những bậc phụ huynh có trình độ học vấn cao hơn sẽ hiểu rõ hơn và thường sẽ dẫn dắt con giải quyết vấn đề theo ý kiến riêng của mình. Tuy nhiên, với cha mẹ có trình độ học vấn thấp, khả năng kèm con học tập, giúp con giải bài tập còn hạn chế, chính vi vậy con cái của học phải "tự lực cánh sinh" nhiều hơn. Việc không bị hạn chế bởi khuôn khổ mà cha mẹ đưa ra không làm chậm trễ việc học của trẻ mà nhiều khi khiến trẻ rèn được sự tự lập trong học tập, khả năng tư duy logic tốt.

Như trong trường hợp của ông bố nông dân ở trên, khi được hỏi về bí quyết dạy con, ông từng chia sẻ: "Trình độ văn hóa của tôi rất thấp. Tôi cũng không có bí quyết cao siêu nào cả. Chỉ là tôi để các con dạy mình thôi. Khi còn nhỏ, gia đình khó khăn nên tôi không được học hành đến nơi đến chốn.

Thế nên khi có con, tôi không có nhiều kiến thức để dạy bọn trẻ. Mỗi ngày khi con đi học về, tôi đều yêu cầu con thuật lại cho mình xem hôm nay giáo viên đã dạy những gì rồi đề nghị con giảng lại cho mình.

Nếu con hiểu bài, nó sẽ giảng cho tôi hiểu. Nếu nó không hiểu bài, không giảng được cho tôi thì ngày hôm sau, tôi bảo nó đến nhờ giáo viên chỉ lại cho bằng hiểu rồi về nhà "dạy" cho bố" , bác nông dân từ tốn trả lời.

Vậy nên, truyền cho con những giá trị đúng đắn và rèn cho con khả năng tự học, có niềm hứng thú với việc học là rất quan trọng.

Truyền cho con những giá trị đúng đắn và rèn cho con khả năng tự học, có niềm hứng thú với việc học là rất quan trọng. Ảnh minh họa

Truyền cho con những giá trị đúng đắn và rèn cho con khả năng tự học, có niềm hứng thú với việc học là rất quan trọng. Ảnh minh họa

Cha mẹ cho con gần gũi hơn với thiên nhiên

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay cho rằng, con cái chỉ cần tập trung vào học tập, giành lấy điểm số cao là được, những hoạt động vui chơi, giải trí khác không quá quan trọng. Đừng bao giờ có suy nghĩ như vậy!

Đối với trẻ đang trong quá trình lớn lên, điều các con cần hơn cả là tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để có thể phát triển nhanh chóng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ phải để con mình gần gũi hơn với thiên nhiên khi giáo dục con cái.

Bằng cách gần gũi với thiên nhiên, chạm vào cây cối, ngửi mùi thơm của những đóa hoa và nghe tiếng chim hót, trẻ có thể được bồi dưỡng tinh thần, giúp đầu óc thư thái, tạo điều kiện thể chất tốt hơn cho việc học tập.

Cha mẹ cho con tham gia các hoạt động xã hội

Ngày nay, trẻ em sống và kết bạn trực tuyến, chúng sống như thể đang sống trong một lâu đài trên không, thiếu sự kết nối với xã hội thực.

Khuyến khích trẻ tham gia vào nhiều hoạt động xã hội hơn và xây dựng các kết nối thực sự là điều nên làm.

Bạn có thể đưa con mình tiếp xúc xã hội nhiều hơn dựa trên sở thích của chúng.

Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện và làm những gì mà con cảm thấy hứng thú và thoải mái.

Cha mẹ cho trẻ một không gian nhất định để phát triển

Ngoài việc để trẻ gần gũi hơn với thiên nhiên, cha mẹ cũng phải thay đổi triết lý giáo dục của mình. Hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay thường có một triết lý giáo dục sai lầm, đó là học tập là trên hết, hạnh phúc là thứ hai.

Con phải học tập chăm chỉ là đúng, nhưng không có nghĩa cuộc sống của con suốt ngày chỉ quanh quẩn, bó buộc với việc học. Cha mẹ ép con học suốt ngày, không cho con thời gian để nghỉ ngơi thì chẳng khác nào một kiểu tra tấn.

Trong quá trình con lớn lên, cha mẹ nên dành cho con một không gian nhất định để trưởng thành và phát triển những sở thích cá nhân. Điều này vừa giúp con cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, vừa giúp con phát triển lành mạnh và hạnh phúc.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghien-cuu-cua-dai-hoc-harvard-co-kieu-cha-me-hoc-van-binh-thuong-nhung-van-nuoi-ra-nhung-dua-con-xuat-sac-nho-nam-vung-4-diem-nay-172240626154707263.htm