Không chờ 'giải cứu' nông sản

'Giải cứu' nông sản là việc làm cực chẳng đã. Nếu có tầm nhìn, biết lo sớm, lo xa thì sẽ không phải 'giải cứu' nông sản.

Gạo hữu cơ của nông dân Tứ Kỳ tiêu thụ thuận lợi dịp Tết

Gạo hữu cơ của nông dân Tứ Kỳ tiêu thụ thuận lợi dịp Tết

Cái rét dưới 10 độ C không làm nản lòng những nông dân Bạch Đằng (Kinh Môn) ra đồng chăm sóc lứa thanh long bán Tết Giáp Thìn 2024. Thanh long bán Tết ở Bạch Đằng có giá 40.000-50.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương đã tới đặt cọc mua hết cả vườn từ sớm. Nông dân Bạch Đằng cho biết lâu nay họ không phải nhắc đến từ “giải cứu” thanh long vì sản xuất không chạy theo số lượng mà chất lượng, thời điểm được ưu tiên hàng đầu.

Từ chuyện vui của quả thanh long Bạch Đằng, tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến những quả cam sành. Cam sành vốn là đặc sản của nhiều tỉnh miền Tây nhưng vừa phải đề biển "giải cứu" dù đã vượt qua hàng nghìn cây số mang ra bán ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Hải Dương. Còn nhớ vài năm trước, cam sành là thứ quả đặc sản chỉ gia đình nào sang mới mua về vắt nước uống. Vậy mà nay lại bị đổ đống vỉa hè bán với giá chỉ 8.000-10.000 đồng/kg và còn bị khoác lên mình tấm biển "giải cứu".

Giữa vui buồn của việc tiêu thụ trái cây những ngày cuối năm âm lịch mới thấy chuyện sản xuất, tiêu thụ nông sản cần một chiến lược lâu dài và bài bản. Hải Dương nhiều năm nay là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của khu vực miền Bắc. Đặc biệt, xứ Đông còn được coi là "ngôi sao vụ đông" bởi không chỉ lớn về diện tích mà sản lượng và giá trị của cây vụ đông cũng đứng ở tốp đầu của miền Bắc. Phấn khởi hơn là mấy năm gần đây, nông dân Hải Dương ít khi phải nhắc đến chuyện "giải cứu" nông sản.

Vì sao ư? Vì trước hết tư duy của nông dân Hải Dương đã thay đổi. Thay vì ngồi nhà đợi "giải cứu", họ đã đi tìm giải pháp từ rất sớm. Chẳng hạn như nông dân Bạch Đằng thay vì chăm cho thanh long ra quả chính vụ bán với giá rẻ và phải cạnh tranh với thanh long miền Nam thì họ cho cây ra quả trái vụ. Chất lượng thanh long được nông dân tìm cách nâng lên để hướng đến thị trường khó tính nhưng ổn định như Mỹ, Australia thay vì xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn nhưng nguy cơ cần "giải cứu" luôn hiện hữu.

Nông dân Hải Dương đã biết mở ra nhiều cơ hội tăng giá trị cho nông sản bằng những cách làm mới. Một số người biết liên kết chế biến sâu cho nông sản thành những sản phẩm giá trị khác khi sản lượng tăng cao như nước ép ổi OTH của Công ty TNHH Ổi Thanh Hà. Nông dân Kinh Môn làm bột hành, bột tỏi hay hành, tỏi sấy khô bảo quản được lâu dài mà cũng có thể bán được quanh năm…

Lễ hội vải thiều, lúa rươi, cà rốt hay mới đây là hành, tỏi ở Kinh Môn được tổ chức không chỉ có giá trị văn hóa, thu hút du khách mà còn là cơ hội quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường cho nông sản Hải Dương. Những mô hình hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm ở Hải Dương ngày càng nhiều…

Sản xuất nông nghiệp của Hải Dương những năm gần đây càng được chính quyền các cấp quan tâm. Lãnh đạo từ tỉnh tới xã sẵn sàng xắn tay đi xúc tiến thương mại cho nông sản. Cán bộ ngành nông nghiệp dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với từng địa phương, tránh cung vượt cầu, không lo phải "giải cứu" nông sản. Đó cũng là lý do vì sao trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ Hải Dương sẽ phát triển nông nghiệp theo 6 vùng.

Mấy hôm trước tôi gọi điện đặt mua vài kg gạo hữu cơ cấy ở bãi rươi làm quà cho người thân nhưng chủ doanh nghiệp thông báo hết hàng từ sớm dù còn nửa tháng nữa mới Tết. Dù doanh nghiệp đã tăng sản lượng bán Tết nhưng do biết đây là đặc sản của địa phương nên số người mua tăng cao.

Xuân mới đang tới. Mong cho mưa thuận gió hòa, cho nông sản được mùa, chất lượng và nông dân Hải Dương luôn bán hết hàng.

DƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khong-cho-giai-cuu-nong-san-371827.html