Không chống ngập kiểu dàn trải

TP Đà Nẵng, từ khoảng 5 - 6 năm nay được nhiều người biết đến hơn nữa với một đặc điểm: Cứ hễ mưa lớn là một số nơi lại ngập lụt bì bõm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Số liệu công bố ngày 13/12, tại phiên thảo luận Kỳ họp HĐND TP thứ 15 khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thấy: Thống kê các đợt mưa trong năm 2022 và 2023 tình trạng ngập nước một số khu vực trên địa bàn TP có xu hướng phức tạp, có khoảng 50 điểm ngập nước, trong đó một số khu vực ngập nặng trên địa bàn quận Liên Chiểu như Mẹ Suốt, cầu Đa Cô; Yên Thế - Bắc Sơn - Tôn Đức Thắng; kiệt 96 Điện Biên Phủ…

Nguyên nhân thì có nhiều, quan trọng nhất là thời tiết biến đổi cực đoan. Từ năm 1979 - 2021, lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 50mm/giờ và lớn nhất 100mm/3 giờ. Tuy nhiên, năm 2022, lượng mưa 150mm/1 giờ và 407mm/3 giờ. Năm 2023, lượng mưa trung bình 73mm/1 giờ… Với lượng mưa như vậy, nếu không có hệ thống thoát nước khoa học, hiệu quả, thì ngập lụt là điều khó tránh khỏi.

Điều đáng nói là số nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngập lụt. Đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, giảm diện tích ao hồ, khu vực thấp trũng điều tiết nước. Một số dự án thoát nước chính chưa thi công hoàn thành; công tác nạo vét, khơi thông chưa đồng bộ. Hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết đã có tình trạng quá tải. "Các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng chảy lẫn nhau. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét, khơi thông không được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương", một ý kiến tại cuộc họp chỉ rõ.

Nói về nguyên nhân ngập nước ở Đà Nẵng, còn có thể nhắc tới đường sắt Bắc - Nam chạy ven TP là yếu tố cản sự thoát nước ra biển. Hay một số khu vực tại quận Liên Chiểu, trước đây thuộc quy hoạch dự án, nên TP không đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, trong khi nhà dân vẫn tồn tại. Rồi sau này dự án không thực hiện, các nhà dân được gỡ quy hoạch "treo", nhưng vẫn phải sống chung với ngập cho đến khi nào hệ thống thoát nước được đầu tư.

Nói sơ qua như thế, để có thể thấy rằng, nếu muốn thoát ngập, Đà Nẵng phải thực hiện rất nhiều công việc. Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND đã đưa ra các đề xuất bên cạnh nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, TP cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí. Đầu tư một số hướng thoát mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển, tập trung nguồn lực ưu tiên cho các dự án chống ngập.

Quan điểm trên một lần nữa được lãnh đạo HĐND TP nhấn mạnh tại cuộc họp, khi nói ngành xây dựng và các ngành liên quan phải làm đồng bộ, từ khâu đầu tư, kinh phí để mua sắm đến khâu quy hoạch, kỹ thuật, tuyên truyền vận động sự tham gia của người dân. Trong đó, ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm từng khu bị ngập nặng, không đầu tư dàn trải.

"Hồ điều tiết cũng khó khăn trong việc nạo vét xong đổ bùn ở đâu, chúng ta thấy mất nửa năm rồi cũng không trả lời được. Đây là câu chuyện của TP chứ không thể đổ cho cơ chế, chính sách, quy định pháp luật được. Nhận diện việc đó đi kèm với các giải pháp để giải quyết dứt điểm", lãnh đạo HĐND TP nói rõ. Kỳ vọng với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật như trên để giải quyết vấn đề, trong thời gian rất sớm, Đà Nẵng sẽ hết cảnh sống chung với ngập nước.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-chong-ngap-kieu-dan-trai-post498735.html