Không chủ quan khi bị ong đốt
Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm ở tất cả các vùng miền, đặc biệt là ở vùng nông thôn và rừng núi. Đáng nói hơn khi phần lớn người dân thường mang tâm lý chủ quan đối với tai nạn này, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Thông tin từ UBND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, trên địa bàn có trường hợp một phụ nữ tử vong do ong “mặt quỷ” đốt. Theo đó, chị N.T.K.Y. (SN 1972, ngụ tại tổ 3, khu phố 2, thị trấn huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) phát hiện có con rắn bò từ trên mái nhà, nơi tiếp giáp với cây xoài ở phía sau nhà nên chị Y. cầm dao ra phạt nhánh cây.
Bất ngờ khi phía trên cây xoài có một tổ ong “mặt quỷ” bị động tổ, bầy ong lập tức tấn công. Chị Y. chạy vào nhà nấp nhưng vẫn bị ong đốt bất tỉnh. Chị Y. được hàng xóm đưa đến Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, sau đó được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh.
3 ngày sau, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục cứu chữa. Dù được y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, nhưng do sốc phản vệ sau khi bị ong “mặt quỷ” đốt gần 200 nốt nên bệnh nhân không qua khỏi.
Một trường hợp khác, bệnh nhân T.T.C.N. (34 tuổi, địa chỉ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), trong lúc đang dọn dẹp hàng cây trước nhà thì bị ong bắp cày đốt. Bệnh nhân lập tức có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê cứng hàm, toàn thân nổi mề đay, mệt, choáng, khó thở, ngất xỉu, nên được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu để cấp cứu điều trị.
Các bác sĩ đánh giá, đây là trình trạng biến chứng nguy hiểm và sốc phản vệ độ 3 do bị ong bắp cày đốt. Sau 3 giờ điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, mạch, huyết áp, nhịp thở và các chức năng khác trong cơ thể không còn rối loạn nữa và được chuyển lên Khoa Nội -Bệnh viện Thanh Vũ để tiếp tục theo dõi điều trị.
Ở Việt Nam các loài ong hay đốt người thường gặp là: Ong vò vẽ, ong bầu, ong bắp cày, ong vàng, ong mật... Nếu gặp loài ong vàng, chúng có thể tự nhiên tấn công đốt người, nên rất khó tránh.
TS.BS Lê Xuân Dương - Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, tai nạn do ong đốt thường là do chọc phá tổ ong và hay xảy ra vào mùa hè, nhất là ở trẻ nhỏ. Tai nạn do ong đốt rất nguy hiểm cho người và súc vật, do các độc tố có trong nọc ong sẽ làm tổn thương thận, gan, hủy cơ, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp…
Do đó, khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua, vì càng xua ong sẽ càng tấn công.
Nếu bị ong đốt, hãy lấy vòi chích ra nếu có, bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay, vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên chỗ bị ong đốt để giảm đau và giảm sưng, đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế nếu nổi mề đay, mệt, chân tay lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít hoặc bị ong vò vẽ đốt trên 10 nốt.
Để đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn ở miền quê, trong rừng. Tránh leo trèo hái hoa quả, vì có thể bị tai nạn do té ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong. Kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chu-quan-khi-bi-ong-dot-5726477.html