Không chủ quan khi bị súc vật cắn

Sau khi bị súc vật cắn, người dân phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng. Nguồn: BAOCHINHPHU

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải điều trị dự phòng bằng vắc xin; có khoảng 60.000-70.000 người tử vong do bệnh dại, phần lớn ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

Đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc chữa bệnh dại; cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại.

Chưa có thuốc chữa bệnh dại

Ông N.V.A (huyện Tuy An) bị chó trong xóm cắn vào cánh tay. Biết rằng một khi đã bị súc vật cắn thì phải đi tiêm phòng bệnh dại, ông A đến cơ sở y tế ở địa phương để tiêm vắc xin. Sau khi xem xét vết thương do chó cắn, nhân viên y tế tư vấn: Vì vết thương khá sâu nên ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại, ông cần phải tiêm huyết thanh kháng dại. Ông A được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiêm huyết thanh kháng dại. “Mình không có chuyên môn, mình phải làm theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe, cả nhà yên tâm”, ông A nói.

Không phải ai cũng có ý thức phòng ngừa bệnh dại như ông A nên thi thoảng lại xảy ra những chuyện đau lòng mà lẽ ra có thể tránh được. Năm 2021, một cháu bé 10 tuổi ở một huyện miền núi bị chó nhà hàng xóm cắn. Người thân trong gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã để xử lý vết thương nhưng không nghe theo tư vấn của nhân viên y tế, không đưa cháu đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại mà lại cho cháu uống thuốc nam! Hơn 2 tháng sau, đứa trẻ có những triệu chứng của bệnh dại: sốt, khó thở, sợ nước, sợ gió… Gia đình vội vàng đưa cháu đến cơ sở y tế, rồi bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên, nhưng đã quá muộn! Chỉ sau 2 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng, cháu bé tử vong.

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương. Virus dại từ động vật lây sang người bởi chất tiết - thông thường là nước bọt bị nhiễm virus, xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ...). Thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1-2 năm, tùy thuộc số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, mức độ nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Virus dại ái tế bào thần kinh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virus dại có xu hướng tìm tới tế bào thần kinh. Vì vậy, nếu vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Đáng sợ nhất là một khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, đều dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo của WHO, mỗi năm có hơn 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại; có khoảng 60.000-70.000 người tử vong do bệnh dại, phần lớn ở các nước thuộc vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, nguồn truyền bệnh chính là chó.

Đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc chữa bệnh dại; cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại. Thông tin này không hề mới và đã được truyền thông rất nhiều lần, trong nhiều năm nhưng vẫn có người tin rằng thuốc nam chữa được bệnh dại! Về vấn đề này, BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên đã khẳng định: “Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại. Trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại, có đến 80% từng uống thuốc nam thay vì đi tiêm phòng”. Họ đã đặt cược tính mạng của mình, của người thân trong gia đình vào niềm tin vô căn cứ, và cái giá phải trả là vô cùng đắt!

Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

Để không tử vong vì bệnh dại, sau khi bị súc vật cắn, người dân phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng. Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, nếu vết cắn nặng, sâu, vết cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, bộ phận sinh dục, đầu chi thì ngoài việc tiêm vắc xin còn tiêm huyết thanh kháng dại nhằm trung hòa bớt lượng virus và kéo dài thời gian ủ bệnh, để vắc xin tạo được miễn dịch cho cơ thể.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, đồng thời đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại 2022-2030, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, tiêm phòng vắc xin dại kịp thời; đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, về các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Sở NN-PTNT tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để Sở Y tế chủ động phòng chống lây nhiễm sang người; tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật nhằm tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin lên ít nhất 70% tổng đàn...

Một điểm đáng lưu ý là hiệu quả miễn dịch cho chó, mèo sau khi tiêm phòng không phải tuyệt đối. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Cho dù chó - nguồn truyền bệnh chính - đã được tiêm phòng nhưng khi nó cắn người thì người vẫn phải tiêm phòng!

Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại. Trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại, có đến 80% từng uống thuốc nam thay vì đi tiêm phòng.

BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát

bệnh tật tỉnh Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/291487/khong-chu-quan-khi-bi-suc-vat-can.html