Không chủ quan, lơ là khi mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng hết sức phức tạp
Hiện tại, mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng hết sức phức tạp, số ca mắc tăng rất nhanh. Để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, biện pháp hữu hiệu, then chốt nhất vẫn là ý thức thực hiện '5K' của mỗi người cùng với đảm bảo bao phủ vắc xin đủ mũi và tiếp tục tiêm mũi bổ sung, mũi tăng cường cho người dân.
DỊCH ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng ở tất cả các huyện, thị, thành và phần lớn các ổ dịch không xác định được nguồn lây. Tính đến ngày 13-12, toàn tỉnh ghi nhận 28.898 F0 đã được Bộ Y tế công bố mã số bệnh nhân, trong đó đang điều trị 6.316 ca với trên 74% F0 điều trị tại nhà. Điều trị khỏi 21.898 ca, chiếm 75,7% F0 toàn tỉnh; tử vong 684 ca.
Từ ngày 26-11 đến nay, số ca mắc trong ngày tăng dần, ngày ghi nhận thấp nhất 50 ca, ngày ghi nhận cao nhất 568 ca. Số ca mắc trung bình 7 ngày tăng liên tục từ 126 ca/ngày lên 298 ca/ngày (135,5%). Bên cạnh số ca F0 phát hiện qua xét nghiệm PCR thì đáng quan tâm là số F0 phát hiện qua test nhanh rất cao. Số ca test nhanh dương tính từ ngày 26-11 đến 13-12 là 16.838 ca.
Theo quy định của Bô Y tế, người có xét nghiệm PCR dương tính mới được công nhận F0, tuy nhiên hiện tại kết quả test nhanh và PCR tương đồng nhau nên tỉnh chọn xét nghiệm test nhanh để giảm chi phí cũng như thời gian và nhân lực. Trong thời gian từ ngày 26-11 đến 13-12, số ca nhập viện điều trị giảm, số ca điều trị tại nhà tăng gấp đôi. Theo đó, có 6.316 bệnh nhân đang được điều trị, trong số này có trên 73% F0 điều trị tại nhà.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, yếu tố lây nhiễm được xác định là do người dân và công nhân đi lại nhiều sau nới lỏng giãn cách xã hội làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát. Rất nhiều ổ dịch xuất hiện không xác định được nguồn lây, phạm vi ảnh hưởng rộng, khó truy vết hết F1. Đặc biệt, các công ty trong và ngoài khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi về hằng ngày, bị nhiễm từ nơi lưu trú, lây lan cho các công nhân khác trong công ty, thành các ổ dịch lớn. Người dân đi về từ các tỉnh, thành có tình hình dịch phức tạp làm lây bệnh cho người nhà và người xung quanh.
Quản lý chưa tốt các đối tượng F0, F1 được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch. Nhóm đối tượng nguy cơ không được xét nghiệm tầm soát đúng thời gian quy định. Đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là khi thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, khi cho là đã hết dịch hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin thì không có khả năng lây nhiễm và mắc bệnh nặng...
TẬP TRUNG TIÊM VẮC XIN VÀ ĐIỀU TRỊ F0
Để giảm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang xác định phải tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các biện pháp “5K” kể cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin.
Quản lý chặt chẽ các đối tượng F0, F1 được điều trị, cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch, đảm bảo tất cả các trường hợp có triệu chứng phải được theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn người dân tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và thông báo kết quả xét nghiệm cho cơ quan y tế địa phương theo dõi, quản lý, điều trị...
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo cho biết, Sở Y tế đã đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, trong đó tập trung vào 2 giải pháp nhằm giảm tỷ lệ mắc, đó là đến ngày 31-12, toàn bộ 100% người dân có chỉ định tiêm được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và xây dựng mạng lưới tư vấn điều trị F0 tại nhà.
Hiện tại, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên của Tiền Giang tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 đạt gần 95%; số trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt trên 85% và tiêm đủ 2 mũi đạt gần 40%. Đối với nhóm giải pháp giảm tỷ lệ tử vong, sẽ tập trung nâng cao năng lực điều trị và tăng thêm trang thiết bị y tế tuyến cơ sở trong điều trị F0 tại nhà.
Thực hiện Công điện 1988 của Bộ Y tế, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.