Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19

Nhận định của ngành Y tế, thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các biến chủng, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian. Cùng với đó là việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Do đó, trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng chống dịch cần phải được thực hiện linh hoạt và chủ động.

Tiêm chủng vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19 thời điểm hiện nay.

Tiêm chủng vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19 thời điểm hiện nay.

Không chủ quan với dịch COVID-19

Theo số liệu của ngành Y tế, tính từ khi dịch bệnh xuất hiện đến ngày 15/01/2023, Ninh Bình đã ghi nhận 107.156 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Số ca bệnh đã điều trị khỏi và xuất viện là 107.016 ca, số ca bệnh chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị là 31 ca và có 107 ca bệnh tử vong. Số ca mắc ghi nhận cao nhất trong thời gian từ giữa tháng 02/2022 đến giữa tháng 3/2022 và sau đó giảm dần. Đến thời điểm hiện nay, số ca mắc trong ngày chỉ ghi nhận rải rác trên địa bàn toàn tỉnh và đang có xu hướng giảm dần, hiện không có bệnh nhân phải điều trị tại cơ sở y tế.

Bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, dự báo tình hình dịch bệnh có sự diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Đặc biệt, thời gian gần nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số nhiễm, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh cũng như sự biến đổi của chủng vi rút gây bệnh, Ngành Y tế Ninh Bình nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây truyền và bùng phát tại Ninh Bình là hoàn toàn có thể. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường trên thế giới. Xuất hiện biến thể mới của chủng vi rút đã và đang gây dịch bệnh tại nhiều quốc gia với tốc độ lây lan nhanh hơn và chu kỳ gây bệnh ngắn hơn như XBB.1.5, BF.7...

Đặc biệt, từ ngày 08/01/2023, Chính phủ Trung Quốc đã mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch, bỏ chính sách "Zero COVID" và chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình, là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, có các chuyên gia, người lao động tay nghề cao từ nước ngoài sang làm việc có thể mang theo mầm bệnh SARS-CoV-2, nên nguy cơ bệnh cùng các chủng vi rút mới có thể xâm nhập vào tỉnh ta thông qua người lao động, người dân di chuyển đến/về từ vùng có dịch là rất cao.

Thêm vào đó, còn tồn tại tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi thời gian vừa qua dịch đã được kiểm soát ổn định dẫn đến việc tuân thủ không nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như không khai báo khi mắc COVID-19, không đeo khẩu trang nơi công cộng, từ chối tiêm vắc xin COVID-19… tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh khi biến chủng mới xuất hiện.

Cùng với đó là tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ở các địa phương không đồng đều; còn tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân, nhất là việc tuân thủ các lịch tiêm của các liều vắc xin nhắc lại. Đặc biệt là còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận về chủ trương tiêm vắc xin cho con em mình, ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Các cơ sở y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế, sẵn sàng phòng chống dịch khi cần thiết.

Xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp

Tính đến ngày 15/01/2023, toàn tỉnh đã có gần 2,9 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người từ 5 tuổi trở lên. Kết quả tiêm chủng cho thấy đa phần các mũi tiêm đều đạt trên 90%, chỉ có 02 tỷ lệ dưới 90% là tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi (79,73%) và tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi (87,38%). Tuy nhiên, khi so với tỷ lệ chung toàn quốc thì tỷ lệ tiêm chủng các mũi tiêm ở đa phần các nhóm tuổi của tỉnh đều cao hơn. Ninh Bình là 1 trong 7 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao nhất cả nước, cho thấy tỉnh ta đã rất tích cực và hiệu quả trong việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, với mục tiêu bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; hạn chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ngành Y tế đã đặt ra các mục tiêu cụ thể và xây dựng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với thực tế.

Theo đó, bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoàn thành tiêm vắc xin mũi 4 cho người trên 18 tuổi, mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 bằng việc các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch, mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá. Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Đồng thời, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19, đảm bảo 100% các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị... đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là trong tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Bảo đảm mọi người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện. Sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc COVID-19 được điều trị kịp thời...

Theo khuyến cáo của người đại diện WHO tại Việt Nam, những loại vắc xin phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn vẫn đang chống chọi tốt với các biến thể mới và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung. Do đó, người dân nên đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao; rửa tay thường xuyên; tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, đặc biệt là các liều nhắc lại.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khong-chu-quan-lo-la-trong-phong-chong-dich-covid-19/d20230119004112398.htm