Không chủ quan, lơ là với 'giặc lửa' trong dịp Tết

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh, năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, thiệt hại về tài sản trên 1,231 tỷ đồng và làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp thực tập phương án chữa cháy tại Côngty TNHH HNT Vina, khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Phân tích các vụ cháy cho thấy, địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là TP Hòa Bình 4 vụ. Huyện Cao Phong và Lương Sơn mỗi nơi xảy ra 2 vụ; huyện Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi mỗi nơi xảy ra 1 vụ. Cháy ở khu vực kinh tế tư nhân 5 vụ (chiếm 41,67%), nhà dân 6 vụ (chiếm 50%), cơ quan Nhà nước 1 vụ (chiếm 8,33%). So với năm 2018, tình hình cháy tuy giảm về số vụ nhưng tăng số người chết. Nguyên nhân chủ yếu do việc quản lý nguồn lửa, hệ thống điện chưa tốt. Trong 11 vụ cháy đã điều tra, làm rõ nguyên nhân có 3 vụ do sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa; 7 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 1 vụ do quá trình ủ phân vi sinh tự sinh nhiệt gây cháy.

Trong 12 vụ cháy có 5 vụ cháy xảy ra từ tháng 1 - tháng 3 vào dịp Tết, mùa hanh khô. Cụ thể như vụ cháy xảy ra ngày 9/1/2019 tại nhà xưởng Công ty T&T 159 Hòa Bình, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) làm 100 m2 mái xưởng lợp nhựa bị thiêu rụi. Vụ cháy xảy ra ngày 9/2/2019 tại cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh ở chợ Ngọc Mỹ, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc), thiệt hại 150 triệu đồng. Hai vụ cháy nhà dân khác tại huyện Cao Phong, Mai Châu vào tháng 2 và tháng 3 cũng đã gây thiệt hại về tài sản 900 triệu đồng. Đáng chú ý, trong năm 2019, vào ngày 9/11 xảy ra vụ cháy 4 ki ốt tại chợ Quán Trắng, xã Thành Lập - nay là xã Liên Sơn (Lương Sơn) làm 2 anh em thương vong, trong đó em trai 8 tuổi tử vong.

Hàng năm, vào dịp Tết và mùa hanh khô, lực lượng chức năng nhận định nguy cơ cháy, nổ cao. Bởi đây là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi, giải trí sôi động nhất trong năm. Các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất tập kết nhiều hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Điểm vui chơi giải trí sử dụng tối đa công suất các thiết bị tiêu thụ điện. Tại các nhà dân, nhu cầu sử dụng điện và lửa trần đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng... tăng lên. Trong khi đó, nhiều gia đình thường đi du xuân, du lịch vắng nhà, nếu xảy ra sự cố nguy cơ không được phát hiện, xử lý kịp thời. Dịp này lại trùng với mùa hanh khô.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề. Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, ngày 25/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó có công tác phòng, chống cháy, nổ. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đang triển khai kế hoạch phòng, chống cháy, nổ theo đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ an toàn Tết của Công an tỉnh.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC, CNCH. Tập trung khuyến cáo các biện pháp PCCC trong sinh hoạt, sản xuất; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ trong mùa hanh khô, dịp nghỉ Tết. Kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại các cơ sở vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư... có nguy cơ cháy cao. Phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, quản lý việc sử dụng, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, đèn trời, nơi lưu giữ pháo hoa. Tăng cường tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH có sự phối hợp của nhiều lực lượng. Nắm chắc chương trình các sự kiện chào mừng Tết để có phương án đảm bảo an toàn. Tập trung rà soát, củng cố, chỉnh lý các phương án chữa cháy, CNCH tại các cơ sở trọng điểm...

Cảnh sát PCCC&CNCH thường trực 24/24h, lực lượng, phương tiện luôn sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Song, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, một trong những vấn đề quan trọng, kinh nghiệm được rút ra là phải đề cao trách nhiệm, sự chủ động phòng ngừa của người dân và cơ sở. Ý thức PCCC của nhân dân thời gian gần đây đã được nâng cao hơn nhưng vẫn có không ít người, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất còn tâm lý chủ quan, coi nhẹ. Năm 2019, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã kiểm tra an toàn PCCC 793 cơ sở, kiến nghị khắc phục 1.117 thiếu sót không đảm bảo an toàn, ra quyết định phạt tiền 46 trường hợp với 69,5 triệu đồng.

Để phòng, chống cháy, nổ, đặc biệt trong dịp Tết, mùa hanh khô, theo phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cần loại bỏ tư tưởng chủ quan. Mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện trách nhiệm tự kiểm tra an toàn cháy, nổ; phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng chữa cháy cơ sở để kịp thời xử lý nếu có tình huống xảy ra, phòng cháy lan, cháy lớn.

Trung úy Nguyễn Tiến Hùng, Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) khuyến cáo: Khi đi du xuân ra khỏi nhà nên tắt hết thiết bị điện, nguồn nhiệt. Chú ý việc thắp hương thờ cúng. Khi đốt vàng mã phải có người trông coi và nên dùng nước dập tắt khi đã hóa xong. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh sắp xếp hàng hóa, tài liệu gọn gàng, không để sát ổ điện hay che chắn lối đi. Người dân cũng nên học, tìm hiểu các kỹ năng thoát nạn, biện pháp đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/136924/khong-chu-quan,-lo-la-voi-giac-lua-tr111ng-dip-tet.htm