Không chủ quan, mất cảnh giác với công tác bảo vệ rừng
Chịu sự tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, sóng biển, thủy triều dẫn đến xói lở đất, sạt lở bờ biển, đê biển, nên diện tích rừng phòng hộ tại khu vực biển Đông thường xuyên bị xâm hại. Trong khi đó, rừng đặc dụng tại các khu bảo tồn sinh cảnh cũng đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Trước thực trạng đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cần được thực hiện một cách chặt chẽ, không thể lơ là hay chủ quan.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phan Minh Chí (bìa trái) yêu cầu tập trung cao độ cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng trong Khu bảo tồn loài sinh cảnh vườn chim Bạc Liêu.
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Bạc Liêu hiện đang quản lý gần 4.600 ha rừng, bao gồm, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong đó, rừng phòng hộ giữ vai trò chiến lược không chỉ về quốc phòng - an ninh, mà còn là "lá chắn" quan trọng, bảo vệ hàng chục ngàn hécta đất nuôi trồng thủy sản và khu vực dân cư sinh sống phía trong hệ thống đê biển. Trong khi đó, rừng đặc dụng có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen quý phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là môi trường giáo dục sinh động giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện hiệu quả công tác dự báo cấp cháy rừng, tổ chức kiểm tra, trực canh 24/24 giờ, bố trí lực lượng túc trực tại các chòi canh lửa và trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, công cụ, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Bạc Liêu kiểm tra, bảo dưỡng máy móc phục vụ công tác chữa cháy rừng.

Công tác tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn khu vực Vườn chim Bạc Liêu được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn rừng đặc dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hệ thống hàng rào bao quanh khu vực rừng bảo vệ cùng tuyến đường tuần tra đã xuống cấp, gây trở ngại trong việc kiểm soát người ra vào rừng cũng như xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Ngoài ra, tình trạng bồi lắng tại nhiều tuyến kênh trong rừng khiến nguồn nước dự trữ phục vụ chữa cháy vào mùa khô bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Tại khu vực rừng phòng hộ, trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn ghi nhận các hành vi vi phạm như đào bới đất rừng, chặt cây, khai thác rễ của một số loài thực vật rừng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ tài nguyên rừng một cách hiệu quả hơn.

Nhiều loài chim quý cư trú trong Khu bảo tồn loài sinh cảnh vườn chim Bạc Liêu.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn loài sinh cảnh vườn chim Bạc Liêu và rừng phòng hộ biển Đông, ông Phan Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đơn vị quản lý tập trung cao độ cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng, đặc biệt là làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sinh sống ven rừng về việc bảo vệ động vật hoang dã, không săn bắt trái phép; đồng thời duy trì nguồn thức ăn tự nhiên để dẫn dụ chim hoang dã về sinh sống, sinh sản ổn định. Một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh là khẩn trương nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng nhằm khơi thông dòng chảy, cải thiện điều kiện môi trường sống cho các loài chim trong khu bảo tồn.
Nhấn mạnh công tác bảo vệ rừng phòng hộ biển Đông, lãnh đạo Sở yêu cầu Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Bạc Liêu tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng, không chủ quan, mất cảnh giác với nạn phá rừng. Đối với khu vực nào có kè, bên trong đã bồi đảm bảo trồng rừng thì tiến hành trồng lại rừng để từng bước phục hồi lại đai rừng phòng hộ.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra tuyến rừng phòng hộ biển Đông.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khong-chu-quan-mat-canh-giac-voi-cong-tac-bao-ve-rung-a121004.html