Không chủ quan trong phòng, chống hạn, xâm nhập mặn
Theo đánh giá của ngành chuyên môn tỉnh Long An, tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp các địa phương và người dân không nên chủ quan, lơ là, tránh thiệt hại không đáng có.
Hạn, xâm nhập mặn không gay gắt
Là huyện chuyên canh rau màu của tỉnh, Cần Giuộc đã và đang triển khai các giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Hiện huyện có khoảng 1.600ha rau màu các loại. Trước khi bước vào mùa khô, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, bảo đảm việc ngăn mặn; nạo vét kênh, mương dự trữ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài.
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Lợi (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ trên 1ha rau của gia đình. Ông Lợi cho biết: “Tôi đã cải tạo mương vườn để tích trữ nước và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bộng để bảo đảm nguồn nước phục vụ việc tưới tiêu”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, năm 2022, huyện thực hiện 22 công trình nạo vét kênh, lắp đặt cống, chống sạt lở, góp phần đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Hiện nay, các cống đầu mối trên địa bàn huyện đã đóng trữ nước với cao trình đủ đáp ứng sản xuất lúa vụ Đông Xuân theo giai đoạn phát triển. Địa phương và các đơn vị quản lý tiếp tục theo dõi chất lượng nước các sông, cấp bổ sung khi phù hợp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, vận hành đồng bộ, nhịp nhàng các cống nội đồng, các trạm bơm để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của người dân”.
Được biết, hiện nay, đa số diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện đều được bao bọc bởi các đê được đầu tư khép kín, việc điều tiết nước nội đồng được thực hiện thông qua các cống đầu mối như cống Ông Hiếu, Mồng Gà và Trị Yên nên không có tình trạng bị ảnh hưởng do thiếu nước, xâm nhập mặn trên cây lúa. Riêng đối với cây rau, vào cao điểm mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước nguồn sản xuất, đặc biệt là vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao nên ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân dịch chuyển một phần sang canh tác chân ruộng, giảm canh tác trên các khu vực gò và tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm.
Tại huyện Cần Đước, đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp huyện đánh giá tình hình hạn, xâm nhập mặn không quá gay gắt và không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: Do gần biển nên nguồn nước của tất cả sông trên địa bàn huyện từ cuối tháng 11 đến tháng 7 năm sau đều nhiễm mặn. Vì vậy, hiện nay, các cống đầu mối trên địa bàn huyện đã được đóng để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Tuy nhiên, có một số cống đang bị rò rỉ, cần khắc phục ngay: Cống Mương Lượng (xã Tân Lân); cống Ông Rèn, Rạch Đôi (xã Long Hựu Đông);...
Vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện Cần Đước gieo sạ trên 8.700ha lúa (đến nay đã thu hoạch gần dứt điểm). Theo ghi nhận của ngành Nông nghiệp huyện, nguồn nước sản xuất hiện vẫn bảo đảm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng sẵn sàng vận hành trạm bơm Năm Kiểu và Năm Du để phục vụ vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của huyện.
Ông Trần Văn Lễ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tôi có gần 1ha lúa Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn huyện đã quen với tình trạng hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô nên luôn chủ động trong khâu gieo sạ, tích trữ nước sản xuất và sinh hoạt”.
Không nên chủ quan, lơ là
Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Các đoàn đã khảo sát một số khu vực có khả năng thiếu nước, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; kiểm tra thực tế các cống ngăn mặn; kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, vụ Hè Thu năm 2023; kế hoạch đầu tư tu bổ, nạo vét kênh, mương thủy lợi phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn năm 2023; tình hình nguồn nước tưới phục vụ sản xuất;...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Huỳnh Văn Nam cho biết: “Qua kiểm tra, các địa phương như Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức,... đều thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023. Đến thời điểm này, nguồn nước ngọt vẫn phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đoàn yêu cầu các địa phương chủ động khoanh vùng những diện tích có khả năng thiếu nước ngọt để lập phương án, kế hoạch cụ thể, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Dự kiến, mùa khô 2022-2023, huyện Bến Lức có 1.200ha lúa, 2.100ha chanh và các loại cây trồng khác có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Trước tình hình này, huyện đưa ra các giải pháp và phương án chuẩn bị phòng, chống, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 cũng như theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn trong những đợt triều cường kém để khi độ mặn dưới 1,0g/l sẽ lấy nước bổ sung vào hệ thống công trình phục vụ sản xuất; triển khai, thực hiện các công trình để cung cấp nước, trữ nước phục vụ việc trồng trọt; các xã phía Bắc tập trung các biện pháp tổng hợp để phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, nhất là vùng chuyên sản xuất nguyên liệu chanh.
Bà Trần Thị Bé Ba (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) bộc bạch: “Trước khi mùa khô đến, tôi nạo vét kênh, mương, bơm tích trữ nước để tưới cho trên 1ha chanh. Ngoài ra, tôi giữ ẩm cho gốc chanh bằng cách không làm cỏ; áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc”.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các địa phương phải chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; trong đó, lấy phòng ngừa là chính nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong các tháng mùa khô 2022-2023, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai, hạn, xâm nhập mặn gây ra, giúp ổn định sản xuất và đời sống người dân. Bên cạnh đó, cần xác định các công trình trọng điểm, xung yếu, ưu tiên thực hiện khẩn trương để ngăn mặn, trữ ngọt; các công trình cấp bách cần nạo vét để sớm đầu tư; các công trình cấp nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khong-chu-quan-trong-phong-chong-han-xam-nhap-man-a149734.html