Không chủ quan trong quản lý đê điều

Hệ thống đê sông, đê biển nước ta dài khoảng 9.300km, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, có tư tưởng chủ quan, lơ là nên công tác quản lý đê điều một số nơi bị xem nhẹ; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều có chiều hướng gia tăng, xử lý không kiên quyết, dứt điểm.

Theo anh Ngụy Văn Nam, người dân sinh sống ở sát bãi biển Quất Lâm, thuộc thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định), trước đây, chỉ có tháng 9 đến tháng 10 là nước biển to nhưng hiện nay, nước biển to cả năm. Ngày thường sóng đánh tràn vào nhà, còn những đợt bão về có khi sóng biển đánh cao từ 4m đến 6m. Chân bờ kè ở khu vực bãi biển Quất Lâm không ít lần bị sóng đánh cho sạt lở. “Những gì tháo được là chúng tôi tháo ra rồi cho vào phòng khóa lại. Năm kia, sóng to đã đánh sập đường, sập kè. Có bão là tất cả chúng tôi phải đóng cửa, di tản hết”, anh Nam cho biết thêm.

Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn với các hộ dân sinh sống, kinh doanh ngay gần đê, khu vực gần bờ kè bờ đê thì vấn đề vi phạm Luật Đê điều ở tỉnh Nam Định vẫn xảy ra tại nhiều tuyến đê lớn của tỉnh. Ngày 11-5 vừa qua, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Nam Định, Công an tỉnh Nam Định cho biết, trên các tuyến đê sông thuộc địa bàn tỉnh hiện có 305 bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 64/305 bãi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đê điều. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nam Định đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, thủy lợi; báo cáo tình hình, kết quả xử lý vi phạm về UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT, trong đó kiểm tra, rà soát, báo cáo đầy đủ số liệu đúng thực trạng tình hình.

Bờ kè khu sinh thái Rạng Đông, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) bị sạt lở vào năm 2022 đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Bờ kè khu sinh thái Rạng Đông, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) bị sạt lở vào năm 2022 đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), nhiều nơi công tác quản lý đê, hộ đê chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều; các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định. Vấn đề quan trọng nhất trong mùa mưa bão là an toàn kè và đê biển, bởi hệ thống này không chỉ bảo vệ khu vực dân cư mà còn là địa điểm du lịch. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là những tuyến đê xung yếu, nhất là các tuyến đê biển chưa được phân cấp quản lý vì vậy rất khó khăn trong việc đầu tư.

Ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), cho biết: “Các địa phương cần phải siết chặt quản lý những tuyến đê xung yếu trên địa bàn. Quan trọng hơn nữa là phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn đê điều để hạn chế rủi ro khi thiên tai xảy ra. Trách nhiệm xử lý vi phạm đê điều thuộc chính quyền địa phương các cấp và cơ quan quản lý đê điều. Lực lượng quản lý đê ở các địa phương sẽ có trách nhiệm ngăn chặn, lập biên bản và gửi cho UBND cấp xã, cấp huyện đề nghị xử lý vi phạm”.

Về lâu dài, bên cạnh việc tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ đê điều, từng bước nâng cấp hệ thống đê theo yêu cầu phòng, chống lũ, bão, các địa phương, các cấp, các ngành cần nhanh chóng khắc phục các mặt còn yếu kém. Trong đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và nhân dân, nhất là lực lượng quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai về thực trạng hệ thống đê điều, những mặt còn tồn tại và yếu kém trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão trước hiểm họa thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường.

Các địa phương cần tránh đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý các vi phạm về đê điều, đồng thời, phải xây dựng chi tiết các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm và bảo đảm sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào, chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nền nếp thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được bảo đảm an toàn chống lũ, giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài và ảnh: ĐÌNH TRUNG - CÔNG LUẬT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-chu-quan-trong-quan-ly-de-dieu-731226