Không chủ quan với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn

Trước khả năng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão, các cấp, ngành và người dân đang khẩn trương triển khai công tác ứng phó.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết

Chiều 18/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định về ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ, ngành, địa phương... không chủ quan với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

Sau cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT vào chiều ngày 18/9, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu và có nguy cơ bị chia cắt; đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi đang bị xuống cấp. Qua đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động; đồng thời khẩn trương thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Lãnh đạo huyện Sơn Tịnh kiểm tra công tác triển khai các phương án phòng, chống thiên tai tại xã Tịnh Giang, chiều 18/9. Ảnh: VĂN BẢO

Lãnh đạo huyện Sơn Tịnh kiểm tra công tác triển khai các phương án phòng, chống thiên tai tại xã Tịnh Giang, chiều 18/9. Ảnh: VĂN BẢO

Đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân

Trước đó, tối 17/9, để chủ động ứng phó với mưa lớn, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, bão; tổ chức kiểm đếm; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ ngày 18/9/2024 cho đến khi thời tiết ổn định. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngả đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng (nhất là các cây xanh cảnh quan trong khu vực nội thành, nội thị tại các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi và trên các tuyến đường giao thông chính).

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong phương án của địa phương, đơn vị). Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân, cơ sở sản xuất ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu, Phước Giang tại các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn và TX.Đức Phổ.

Từ chiều 17/9, tại công trường kè chống sạt lở bờ sông Trà Bồng, đoạn qua xã Bình Minh (Bình Sơn), nhà thầu vừa thi công vừa thu dọn vật dụng, vật cản quanh công trình để đảm bảo an toàn. Ảnh: MỸ HOA

Từ chiều 17/9, tại công trường kè chống sạt lở bờ sông Trà Bồng, đoạn qua xã Bình Minh (Bình Sơn), nhà thầu vừa thi công vừa thu dọn vật dụng, vật cản quanh công trình để đảm bảo an toàn. Ảnh: MỸ HOA

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở...) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp, đặc biệt là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm như: Hồ Ông Tới (Mộ Đức), hồ Phượng Hoàng (Bình Sơn)... bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, sáng 18/9, Ban Quản lý Các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Mỹ Á và Lý Sơn tập trung sắp xếp, bố trí và hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân ràng buộc, chằng néo tàu thuyền đang neo đậu đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng phương tiện va đập gây hư hỏng. Đối với tàu, thuyền và ngư dân của tỉnh đang hoạt động ngoài biển (đến 18 giờ ngày 18/9 còn 255 tàu/2.245 lao động), chủ tàu và thuyền trưởng đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ. Riêng các tàu, thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm (vùng biển Hoàng Sa và vùng biển trong tỉnh), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên thông tin và giữ liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tại huyện Nghĩa Hành, đề phòng ATNĐ và mưa lớn gây ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, thông tin tình hình ATNĐ, mưa lớn để người dân chủ động ứng phó. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cũng như kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân cho biết, tại một số khu vực thấp trũng, thường bị ngập sâu, như: An Sơn, Kim Thành (Hành Dũng) và Đông Trúc Lâm, Phước Lâm (Hành Nhân)... người dân cũng đã chủ động kê gác vật dụng lên cao, dự trữ lương thực và thực phẩm. Chính quyền địa phương cũng rà soát và triển khai mua sắm phương tiện, vật dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai như áo phao, phao cứu sinh, loa cầm tay, đèn pin...

M.HOA - H.ANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202409/khong-chu-quan-voi-ap-thap-nhiet-doi-mua-lon-9051ae8/