Không chủ quan với bệnh cúm mùa

Thời tiết đang diễn tiến thất thường, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm mùa. Tại Bình Dương, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Người có sức khỏe yếu, có bệnh nền sẽ dễ mắc bệnh.

Tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh tại TP.Thủ Dầu Một

Bệnh phổ biến trên toàn cầu

Mới đây, thông tin một nữ minh tinh qua đời vì bệnh cúm và viêm phổi đã khiến cộng đồng quan tâm đến vi-rút cúm, một bệnh phổ biến trên toàn cầu. Trước đó, ngành y tế tỉnh cũng thông tin trường hợp mắc bệnh do vi-rút gây viêm phổi trên người (Human Metaptifmeumovirus - HMPV) tại Trung Quốc.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi-rút gây viêm phổi ở người. Đặc điểm của bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính. Tác nhân chủ yếu là vi-rút cúm, vi-rút này gây viêm phổi trên người có triệu chứng giống như cúm.

Hiện nay, tại Trung Quốc đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông nên các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong thời gian này, trong đó các tác nhân chính thường gặp là vi-rút cúm mùa, vi-rút hợp bào hô hấp và vi-rút gây viêm phổi trên người.

Liên quan đến bệnh cúm tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết trong khoảng 10 năm gần đây, hàng năm nước ta ghi nhận khoảng từ 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.

Sau tết nhu cầu giao thương, đi lại tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh cúm trong cộng đồng. Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi-rút cúm trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và phối hợp Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán.

Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh, gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Phần lớn các trường hợp mắc cúm lành tính, nhưng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm với những nhóm có nguy cơ cao, như: Người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Các trường hợp này, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Người dân không nên hoang mang

Hiện tại ở Bình Dương thời tiết diễn tiến thất thường. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển và lây lan, nhất là với các bệnh như cúm, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… Thời tiết diễn tiến thất thường nên bất kỳ ai đang sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng có thể mắc bệnh cúm, viêm phổi.

Để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng, bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh và thực hiện một số biện pháp cơ bản sau: Bảo đảm vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người. Che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn điều trị kịp thời; không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đặc biệt, người dân nên tiêm vắc-xin cúm mùa hàng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Đây là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Nhất là đối với các trường hợp có nguy cơ cao mắc cúm và dễ có biến chứng nặng, như: Nhân viên y tế, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…), người già, phụ nữ có thai. Việc tiêm phòng vắc-xin cúm giúp giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80-90%.

Dấu hiệu chính của bệnh cúm bao gồm: Sốt (thường trên 38 độ), đau đầu, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, ho khan, khó thở, rét run, đau cơ hoặc đau khắp cơ thể, mệt mỏi… Rất khó phân biệt giữa cúm và cảm lạnh thông thường nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Các triệu chứng của cúm sẽ nặng hơn và có thể kèm theo sốt và đau cơ. Đối với cảm lạnh, các triệu chứng thường xuất hiện từ từ và chỉ ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua-a340947.html