Cúm mùa hoành hành trong mùa du lịch cao điểm ở Nhật Bản

Dịch cúm bùng phát đúng mùa du lịch cao điểm tại Nhật Bản khiến số ca mắc bệnh tăng cao với hơn 9,5 triệu, nhiều bệnh viện quá tải trong khi thuốc điều trị khan hiếm.

Theo bộ Y tế Nhật Bản, đến ngày 29/12/2024, có tổng cộng 317.812 trường hợp mắc cúm trên toàn quốc được báo cáo, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

 Nhật Bản đang đón một lượng khách rất đông, cao điểm là vào mùa xuân năm nay. Ảnh: dulichnhatban

Nhật Bản đang đón một lượng khách rất đông, cao điểm là vào mùa xuân năm nay. Ảnh: dulichnhatban

Tính trung bình, mỗi cơ sở y tế có thêm khoảng 64,39 ca, tăng 21,73 ca so với tuần trước đó. Đây là mức ghi nhận kỷ lục, cao nhất kể từ khi bộ y tế bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1999.

Đến đầu tháng 1, tỉnh Oita có số ca cao nhất, với trung bình 104,84 ca trên mỗi phòng khám, tiếp theo là tỉnh Kagoshima và Saga với lần lượt 96,4 và 94,36 ca. Tại thủ đô Tokyo, trung bình có 56,52 ca bệnh trên một phòng khám.

"Một cuộc khủng hoảng" là cách Tiến sĩ Matsuyama Masaharu, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tỉnh Okayama, mô tả những cảnh tượng đang diễn ra tại các bệnh viện trong vùng khi tiếp nhận lượng bệnh nhân cúm khổng lồ.

Nhiều công ty dược phẩm lớn đã gây sốc khi tuyên bố tạm dừng các lô hàng thuốc quan trọng như thuốc kháng virus Oseltamivir, thường được sử dụng để điều trị cúm.

Ít nhất 7 trẻ em trên khắp Tokyo và Shizuoka đã tử vong do biến chứng của bệnh não do cúm, một chứng viêm não hiếm gặp nhưng tàn khốc có thể gây tử vong do mất ý thức và gây ra các cơn co giật. Một phụ huynh ở Shizuoka đã bất lực nhìn đứa con mới biết đi của mình tử vong chỉ trong 24 giờ, từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu.

"Sự gia tăng đột biến các ca cúm này, cùng với cái chết vô cùng bi thảm của nữ diễn viên Từ Hy Viên ở độ tuổi còn quá trẻ, sẽ phá tan mọi ảo tưởng còn sót lại về việc cúm chỉ là một sự bất tiện nhẹ", Tiến sĩ Leung Chi-chiu, chuyên gia về bệnh hô hấp từ Hong Kong, cảnh báo.

Sau hai năm cúm lây truyền chậm lại nhờ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19 như đeo khẩu trang, người dân Nhật Bản thấy sức đề kháng với các chủng mới lưu hành trở nên suy yếu.

Giới y tế đưa ra giả thuyết rằng việc thiếu khả năng miễn dịch đã tạo ra "lỗ hổng hoàn hảo" cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Leung nhận định việc đi lại quốc tế trở lại bình thường và khuyến cáo đeo khẩu trang được nới lỏng đã tạo điều kiện cho bệnh cúm bùng phát trở lại một cách đáng sợ.

"Các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trong nhiều tháng, nhưng bệnh cúm bị đánh giá thấp. Chúng ta không thể tự mãn nữa. Nhật Bản có thể là phát súng mở màn cho dịch bệnh trên toàn thế giới, khởi nguồn từ các chủng virus đơn giản, song có khả năng đột biến", tiến sĩ Leung lo ngại.

Tình trạng các ca cúm tăng nhanh khiến nhiều lớp học bị hủy. Trên toàn Nhật Bản, tổng cộng 1.838 trường học, nhà trẻ và trường mẫu giáo, bao gồm 1.200 trường tiểu học, 391 trường trung học cơ sở và 135 trường trung học phổ thông, đã phải đóng cửa hoàn toàn.

Dịch cúm mùa ở Nhật bùng phát vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh, khiến nhiều người phải hết sức thận trọng trong việc phòng chữa bệnh. Khi số ca bệnh tiếp tục tăng, Bộ Y tế Nhật Bản đang phải kêu gọi mọi người đeo khẩu trang và rửa tay kỹ lưỡng để ngăn ngừa lây nhiễm.

Người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên cân nhắc tiêm vaccine. Các biện pháp chuẩn bị hữu ích khác bao gồm mua thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt và kiểm tra vị trí của cơ sở y tế gần nhất cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân ngoại trú bị sốt.

Cúm mùa do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm cúm A và cúm B. Cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng, gây tử vong ở nhóm nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền.

Hướng Dương (Theo NHK, Japan Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cum-mua-hoanh-hanh-trong-mua-du-lich-cao-diem-o-nhat-ban-post333016.html