Không chủ quan với bệnh dại

Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian qua, số ca bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Theo các chuyên gia y tế, phần lớn những ca tử vong do bệnh dại là vì chủ quan không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn.

Gia tăng số người tử vong vì bệnh dại

Gần đây, các trường hợp tử vong vì bệnh dại được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử, tại trường Tiểu học xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh có 14 người bị cùng 1 con chó cắn. Đây là ổ bệnh dại thứ 3 trên địa bàn được phát hiện trong 2 tháng qua. Qua xét nghiệm, kết quả cho thấy, 14 mẫu xét nghiệm của nạn nhân bị chó cắn đều dương tính với virus dại.

Tương tự, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.

Bệnh nhi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Trong đó, có bé trai 7 tuổi khi đi chúc Tết nhà bà ngoại, bị một con chó bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Tương tự, bé gái 6 tuổi (ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.

Cả hai con chó tấn công trẻ trong hai vụ việc trên đều chưa được tiêm phòng dại.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bé gái 4 tuổi (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) bị chó dại Pitbull nhà hàng xóm “tấn công”. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị chó cắn ở mặt và chân, đặc biệt là vùng mặt có nhiều vết cắn. Ngay sau khi khâu tạo hình thẩm mỹ với hàng chục mũi khâu ở vùng mặt, bé được tiêm vaccine phòng dại và phòng uốn ván.

Tại Hà Nội, những năm gần đây, con số tử vong do bệnh dại đã giảm so với giai đoạn trước nhờ vào sự nỗ lực đáng kể của ngành y tế, ngành thú y cũng như sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, hằng năm TP vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do sự chủ quan của người dân.

Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng, chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại…

Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà

TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại ở 13 tỉnh, TP.

Dại là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, do virus dại gây ra và lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh dại.

Bệnh dại có thể biểu hiện triệu chứng thông qua thể hung dữ hoặc thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn, xuất hiện ở 80% ca mắc dại. Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

TS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương mọi người cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Người dân cần tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất.

Việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại trước phơi nhiễm là hết sức cần thiết.

Việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại trước phơi nhiễm là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải hết sức lưu ý. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Ngoài ra, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 7 biện pháp: Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ; không thả rông chó, mèo; rọ mõm chó, mèo khi cho ra đường.

Người dân không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; thực hiện diệt ngay chó và các động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch. Khi bị chó, mèo cắn, cào làm tổn thương da hoặc niêm mạc, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại kịp thời.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn. Tốt nhất người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại và tư vấn tiêm phòng dại, đặc biệt là tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chu-quan-voi-benh-dai.html