Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), do đó, người dân không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh nguy hiểm này.

Huyện Đức Hòa tăng cường hướng dẫn người dân diệt lăng quăng tại nhà

Huyện Đức Hòa tăng cường hướng dẫn người dân diệt lăng quăng tại nhà

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết, để phòng, chống SXH hiệu quả, người dân cần đề phòng muỗi đốt và thường xuyên diệt muỗi, phải ngủ mùng kể cả ban ngày, cho trẻ mặc áo quần dài, thoa thuốc chống muỗi; dọn dẹp vật dụng phế thải có thể ứ nước. Lu, khạp nên được đậy nắp kín, khi nước gần hết thì súc rửa sạch sẽ trước khi sử dụng lại.

Theo Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Long An (BVĐKLA) - bác sĩ Đặng Anh Tuấn, năm nay, số ca SXH nặng được điều trị tại BV nhiều hơn những năm trước, do nhiều bệnh nhân còn ngại khi đến thăm khám, khi có triệu chứng đau đầu, sốt, đau cơ,... thì dễ nhầm với Covid-19 nên chỉ theo dõi tại nhà, vì thế dễ dẫn đến chuyển biến nặng. Do đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, chảy máu răng, máu cam, xuất huyết dưới da,... cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị, tránh tình trạng chuyển biến nặng, thậm chí tử vong.

Bà Thi Thị Thúy Liễu (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) - người nhà của một bệnh nhân SXH đang điều trị tại BVĐKLA, cho biết: Lúc đầu, con của bà có biểu hiện sốt nên chỉ đi khám ở một phòng mạch tư nhân. Sau khi uống thuốc vẫn không giảm các triệu chứng thì nhập viện tại Trung tâm Y tế Tân Thạnh rồi chuyển đến BVĐKLA để tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Thực hiện chiến dịch Diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH, Zika và Chikungunya trong tháng 5/2022 (đợt 1) và tháng 6/2022 (đợt 2) hoặc trong lúc có dịch SXH, Zika và Chikungunya, ngành chức năng các huyện, thị xã, thành phố chú trọng tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, Zika và Chikungunya dựa vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức míttinh. Bên cạnh đó, cộng tác viên đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân loại bỏ các ổ lăng quăng bằng các biện pháp dễ thực hiện,...

Năm nay, huyện Tân Trụ và Đức Hòa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Do đó, những địa phương này triển khai chiến dịch từ rất sớm, nỗ lực tuyên truyền, không để người dân chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Cộng tác viên chương trình SXH xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ - Trần Thị Đậm chia sẻ: “Trong chiến dịch, tôi đến địa bàn phụ trách hướng dẫn người dân các biện pháp phòng SXH. Khi tuyên truyền, người dân cũng phối hợp tốt, qua đó, nâng cao ý thức phòng, chống dịch SXH trong cộng đồng”.

Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục cũng như các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như chảy máu răng, máu cam, xuất huyết dưới da,… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời

Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục cũng như các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như chảy máu răng, máu cam, xuất huyết dưới da,… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời

Còn Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Phê thông tin: “Trước tình hình dịch SXH có chiều hướng gia tăng, ngành Y tế huyện nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu số ca mắc, cụ thể là không chủ quan với các trường hợp nghi ngờ, nhất là khi bệnh nhân sốt, người nhà cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tư vấn, theo dõi, điều trị. Theo ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc SXH trên người lớn gia tăng. Đây là điều không được chủ quan”.

Huyện Đức Hòa ra quân hưởng ứng chiến dịch Diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH, Zika và Chikungunya vào giữa tháng 5, trong đó tập trung tại 5 xã, thị trấn có số ca mắc cao: Lộc Giang, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, thị trấn Hậu Nghĩa và thị trấn Đức Hòa. Sau chiến dịch,
huyện tập trung tuyên truyền trong học sinh, giáo viên, chủ nhà trọ, công nhân,... và tăng cường xử lý tốt ổ dịch ngay khi được phát hiện.

Hiện nay, biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh SXH vẫn là đề phòng muỗi đốt, chú trọng diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên, tránh để dịch lan rộng. Vì vậy, người dân hãy chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; đồng thời, tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế./.

Tính từ đầu năm đến ngày 29/5/2022, số ca SXH nặng trên toàn tỉnh là 39 ca, tăng 14 ca so cùng kỳ (năm 2021 là 25 ca); tổng số ca mắc SXH 1.791 ca (1.361 ca nội trú, 430 ca ngoại trú), tăng 70,6% so cùng kỳ (năm 2021 là 1.050 ca). Tính từ đầu năm, toàn tỉnh có 3 ca tử vong (tại huyện Tân Trụ và Đức Hòa).

Thu Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khong-chu-quan-voi-benh-sot-xuat-huyet-a136665.html