'Trẻ con có biết gì đâu'!
'Trẻ con có biết gì đâu' là câu bênh con quen thuộc của rất nhiều cha mẹ mỗi khi có chuyện tranh cãi liên quan đến những đứa trẻ (bị coi là) hư, quậy phá, làm phiền người khác.
Câu chuyện hành động vô ý của trẻ con và phản ứng của người lớn lâu nay vẫn là câu chuyện dễ gây tranh cãi bởi các lý lẽ khác nhau. Người thì cho rằng, trẻ con cần được dạy dỗ, kiểm soát tốt để có cách ứng xử đúng mực. Cha mẹ đứa trẻ phải chịu trách nhiệm với hành động của con và uốn nắn kịp thời khi trẻ vượt giới hạn để tránh làm phiền người khác. Nhưng cũng có người thì nghĩ, trẻ con không phải người lớn, chúng còn quá non nớt để hiểu chuyện và người lớn nên bao dung với chúng.
Những lời như “Cháu nó còn nhỏ” hay “Trẻ con thì biết cái gì” đã trở thành câu cửa miệng trong những vụ bao che khi trẻ gây rối, và nếu người lớn hay những trẻ lớn hơn phàn nàn, họ lập tức bị kết tội “không biết nhường em”, “người lớn mà chấp trẻ con”, “không có con nên không biết thông cảm”... Trên thực tế, câu “trẻ con không biết gì” không sai, vì trẻ con có thể chưa nhận thức được mình có hành động sai hay không, hành động ấy sẽ gây ra những phiền toái và rắc rối gì. Tuy nhiên, bao che, không uốn nắn những hành động lệch chuẩn, những biểu hiện hư không phải là giáo dục mà dẫn tới nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng tới khả năng phân định đúng sai của con. Lâu dần trẻ sẽ cho phép mình có quyền làm thế và ỷ lại vào cha mẹ, vì gây rối cỡ nào, làm việc xấu đến đâu cũng có cha mẹ bảo vệ, miễn là đạt được mục đích.
Là một người mẹ có hai đứa con nhỏ, đang tuổi ăn và phá, tôi thật sự ngại ngùng việc làm phiền người khác. Vì tôi cũng khá khó chịu trước những hành động quấy phá làm phiền người khác của trẻ con ở nơi công cộng. Chính vì vậy tôi luôn quan tâm đến việc dạy con mình phép lịch sự nơi công cộng, dặn dò bé cẩn thận về hành vi làm phiền người khác sẽ để lại nhiều hậu quả. Nếu không tuân thủ thì bé không được đến nơi công cộng vui chơi, ăn uống cùng cha mẹ nữa và mình nghiêm túc thực hiện đến cùng hình phạt đã quy định trước.
Người xưa dạy “nhân chi sơ tính bản thiện”. Đứa trẻ mới sinh là một tờ giấy trắng. Việc rèn luyện thói quen, phát triển tính cách đều diễn ra sau này. Con thực chất là tấm gương cho cha mẹ. Nếu con mắc lỗi, trước tiên cha mẹ nên nhìn nhận lại cách giáo dục của mình. Đa số chúng ta nên thực sự nghiêm túc suy xét lại và tích cực thay đổi cách giao tiếp, dạy dỗ con trẻ vì thực tế, chúng ta đã và đang góp phần làm hư con trẻ từ ngay những tháng năm đầu đời của chúng mà mình không hề hay biết. Ví dụ như khi bé tập đi bị té ngã và khóc, ông bà và người thân liền “đánh” cái nền nhà và bảo: “Tại cái nền gạch hư, trơn... làm cho bé ngã”. Điều đó đang dạy bé tính “đổ thừa” rằng bé té là do cái nền gạch trơn, chứ không phải do bé chưa đi vững. Hay như bé biếng ăn thì sẽ nói là “Con ăn mau đi, không thì sẽ bị người khác đến ăn mất”, chúng ta đang dậy con mình tính “chiếm hữu, “không biết chia sẻ”, bé không muốn ăn nữa, nhưng nếu không cố ăn thì sẽ bị người khác ăn mất của bé…
Mọi đứa trẻ đều đáng yêu, và trẻ con luôn cần sự tự do, tự do học hành, tự do biểu đạt, tự do trong tư duy… Nhưng chính vì là trẻ con, như cái cây non lớn lên nên cũng cần có một số khuôn khổ để trưởng thành, nếu mỗi người lớn chúng ta thường xuyên nhắc nhở, phân tích cho con trẻ về việc không nên làm phiền mọi người ở nơi công cộng, hoặc phải biết xin lỗi khi lỡ làm phiền, biết cảm ơn khi được giúp đỡ… thì dần dần sẽ hình thành tích cực ở trẻ.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tre-con-co-biet-gi-dau-120124.html