Không chủ quan với các triệu trứng của sốc nhiệt
Mới đây, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã cấp cứu cho một nam thanh niên sốc nhiệt, hôn mê, có tổn thương tạng sau khi chạy thể dục ngoài trời nắng nóng.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho hay, tại đây đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 29 tuổi được chuyển từ Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội với chẩn đoán sốc nhiệt có tổn thương tạng (gan, thận, huyết học).
Theo lời kể của gia đình, sau khi chạy bộ được khoảng 5 km vào lúc 17h, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, nóng bừng toàn thân, sau đó nhanh chóng đi vào hôn mê và được người nhà kịp thời đưa vào cấp cứu.
Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã cải thiện chức năng các tạng, ra viện và không để lại di chứng.
TS. Phạm Đăng Hải, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội và chống độc cho biết, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng đặc biệt luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hải, sốc nhiệt có thể được chia thành hai loại gồm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.
Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Còn sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau ở ngoài nhiệt độ môi trường tăng cao thời gian lâu và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức.
Sốc nhiệt sẽ làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.
Nói về dấu hiệu của sốc nhiệt, bác sĩ Nguyễn Đức Lộc, Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chia sẻ, hôn mê, cơn động kinh, khó thở, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô là các dấu hiệu điển hình.
Theo bác sĩ, khi gặp trường hợp sốc nhiệt ngoài bệnh viện, cần ngay lập tức đưa bệnh nhân tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo, hạ thân nhiệt bằng các cách đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt;
Hoặc xối nước lạnh 25- 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh, để đầu trên mặt nước, theo dõi; Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ. Đồng thời, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo bác sĩ Lộc, để hạn chế sốc nhiệt trong ngày hè, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh mãn tính cần hạn chế ra ngoài đường.
Nếu bắt buộc phải đi ra đường khi trời nắng, nóng, phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng bằng vải cotton, đeo kính râm và khẩu trang để chống nắng, nóng.
Đặc biệt, khi mới ở ngoài trời nắng về không nên bật điều hòa quá lạnh hoặc tắm nước lạnh ngay. Nên nghỉ ngơi 13-15 phút để cơ thể điều chỉnh lại thân nhiệt ổn định, bớt mồ hôi.
Với người buộc phải lao động nhiều giờ ngoài trời, ngoài những chuẩn bị trên nên chủ động uống nước để bù lại lượng nước, muối đã mất qua mồ hôi. Hạn chế uống cà phê, rượu trước và trong khi làm việc, tránh gia tăng khả năng mất nước.
Những người đã từng bị sốc nhiệt cần luôn mang theo một lọ muối hoặc đường để pha nước uống khi có dấu hiệu thiếu nước, sốc nhiệt.
Nếu có những dấu hiệu như chóng mặt, yếu ớt, lo lắng, khát nước dữ dội và đau đầu trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất bạn nên di chuyển đến nơi mát mẻ càng sớm càng tốt và đo nhiệt độ cơ thể. Sau đó, nên uống một ít nước hoặc nước ép trái cây để bù nước.
Nghỉ ngơi ngay lập tức ở nơi mát mẻ nếu bạn bị co thắt cơ gây đau (đặc biệt là ở chân, tay hoặc bụng) và uống dung dịch bù nước có chứa chất điện giải và cần tới cơ sở y tế nếu chuột rút do nhiệt kéo dài hơn 1 giờ.
Chuyên gia khuyên rằng, nếu cảm thấy các triệu chứng bất thường hoặc nếu các triệu chứng vẫn tồn tại nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu một người có triệu chứng mất nước như da khô, nóng và mê sảng, co giật và/hoặc bất tỉnh, người bên cạnh cần gọi bác sĩ hoặc xe cứu thương ngay lập tức.
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy di chuyển bệnh nhân đến nơi mát mẻ, đặt họ ở tư thế nằm ngang và nâng cao chân và hông, cởi bỏ quần áo và bắt đầu làm mát từ bên ngoài.
Có thể đặt túi làm mát, khăn nhúng nước mát vào vùng cổ, nách và háng, dùng quạt mát để giảm nhiệt độ cơ thể, phun nước lên da ở nhiệt độ 25 - 30 °C. Sau đó tiến hành đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-chu-quan-voi-cac-trieu-trung-cua-soc-nhiet-d191828.html