Không chủ quan với mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Sáng nay, 26-10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì họp với các ban, ngành trung ương và địa phương về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sáng 26-10. Ảnh: Ngọc Hà

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sáng 26-10. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 26-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo, khi vào gần bờ, áp thấp nhiệt đới giảm xuống cấp 6, giật cấp 8 đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 10,5 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Gió mạnh cùng gió giật, sóng lớn và dông, lốc gần áp thấp nhiệt đới gây mất an toàn cho tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Điều đáng lo ngại là một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam và Quảng Ngãi từ ngày 26-10 sẽ mưa to trở lại nên nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao; mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, tính đến 6 giờ sáng nay, 26-10, còn 2.792 tàu/12.121 người đang hoạt động trong khu vực biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong số này có 192 tàu/3.095 người hoạt động khu vực giữa biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa. Số tàu này đã di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú an toàn.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thiệt hại của đợt mưa lũ vừa rồi đã được giảm ở mức tối đa do các địa phương đã ứng phó quyết liệt. Năm nay thiên tai không khốc liệt như năm 2020 nhưng không thể chủ quan vì từ nay đến cuối năm theo dự báo dài hạn sẽ có 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta với mưa gió lớn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, cuối giờ chiều tối nay, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận với gió cấp 6 và mưa khá lớn trên diện rộng. Tại Quảng Ngãi bà con chạy lũ đã về nhà thu dọn, ổn định đời sống, còn tại Quảng Nam vẫn còn nhiều hộ dân chạy lũ chưa thể về nhà do nước chưa rút. Điều đáng lo ngại là ngày mai khu vực 2 tỉnh trên vẫn có mưa lớn, trong khi tâm lý bà con đang rất mệt mỏi vì đã 3 lần di dân chạy lũ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị lực lượng BĐBP tiếp tục theo dõi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và tiếp tục hoạt động sản xuất.

Đối với việc sản xuất trên lồng bè, thứ trưởng nhấn mạnh, áp thấp vào bờ với cường độ không lớn nhưng trên biển vẫn ảnh hưởng rất mạnh vì vậy các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn trên lồng bè để tránh trường hợp đáng tiếc như đợt lũ vừa rồi.

Về hồ chứa, hiện hồ chứa ở khu vực Bắc Trung Bộ đã tích nước trên 85%, trong khi Ninh Thuận và Phú Yên mới chứa 45% dung tích, thậm chí có hồ mới chứa 30% nước, vì vậy, các địa phương chủ động tích nước để phục vụ sản xuất mùa khô tới. Các hồ ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã tích trên 90% nước cũng cần đảm bảo an toàn hồ đập.

Quan ngại về tình trạng sạt lở, đặt biệt là ở khu vực miền núi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, Nam Tây Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương ở khu vực trên cử người ứng trực và cảnh báo cho người dân khi có hiện tượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cử người canh gác, cảnh báo kịp thời cho người dân khi có hiện tượng sạt lở đất. Ảnh: Ngọc Hà

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cử người canh gác, cảnh báo kịp thời cho người dân khi có hiện tượng sạt lở đất. Ảnh: Ngọc Hà

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương có biển cảnh báo các điểm có thể sạt trượt, cử người canh gác ở 2 đầu điểm sạt lở, ngập nước để thông báo, hướng dẫn cho người dân. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai việc thông đường nhanh nhất để đảm bảo sinh hoạt của người dân và sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lớn những ngày qua đã làm sạt lở nhiều khu vực.

Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra sạt lở bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thành phố Huế với chiều dài khoảng 250m; bờ sông Bồ tại 7 vị trí với tổng chiều dài 2.720m (thuộc thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền); bờ sông Hương tại 3 vị trí với tổng chiều dài 1.200m (thành phố Huế, huyện Phú Vang); sạt lở mái taluy đường Vườn Quốc gia Bạch Mã khoảng100m (huyện Phú Lộc).

Tại Quảng Nam, ghi nhận sạt lở, hư hỏng, ngập lụt cục bộ các tuyến đường QL 40b, QL 14H, ĐT606, ĐT 617, ĐT618, ĐT 611 (thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Nông Sơn, Tây Giang).

Tại Quảng Ngãi, xảy ra sạt lở các thôn Châu Thuận Biển, thôn Châu Thuận Tây, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn khoảng 2.500m bờ biển, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ/ 4.300 khẩu. Ngoài ra, bờ sông Trà Bồng, sông Phước Giang và sông Trà Khúc bị sạt lở dài 2.900m.

Tính đến sáng 26-10, đã có 5 người chết và 3 người bị thương do mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi và Bình Định.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-chu-quan-voi-mua-lon-do-anh-huong-cua-ap-thap-nhiet-doi-post444941.html