Không chủ quan với sốt xuất huyết
'Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019, nhưng không vì thế mà người dân chủ quan, lơ là. Việc chủ động phòng chống sẽ giúp kiểm soát căn bệnh truyền nhiễm này, không để gia tăng trong thời gian tới'. Đây là khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đối với người dân trong toàn tỉnh.
Không chủ quan với sốt xuất huyế
9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 1.463 ca mắc SXH, giảm 2.529 ca so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc là những địa phương nằm trong nhóm có số ca mắc cao, trên 200 ca và chỉ riêng huyện đảo Phú Quý chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thọ - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Từ đầu năm 2020, đặc biệt là bước vào mùa mưa năm nay, các địa phương đều tổ chức các đoàn kiểm tra cũng như tuyên truyền phòng chống SXH và các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn còn chủ quan, lơ là khi sử dụng các dụng cụ chứa nước không có nắp đậy nhưng không chú ý diệt lăng quăng, dẫn đến muỗi phát sinh, gây bệnh.
Lấy dẫn chứng huyện Bắc Bình, địa phương có 250 trường hợp mắc bệnh. Đa phần số ca nhiễm bệnh rơi vào thời điểm quý I/2020 và trong tháng 8, 9. Thôn Bình Thạnh (xã Bình An) và thôn Hồng Thắng (xã Hòa Thắng) là 2 ổ dịch đáng “báo động”. Nguyên nhân được chỉ ra là khu vực thôn Bình Thạnh thưa dân cư, đa số đều có thanh long xung quanh nhà và các nơi chứa nước là điều kiện thuận lợi để muỗi trú ngụ, sinh sản. Riêng thôn Hồng Thắng là điểm dịch cũ, cộng thêm người dân không chủ động diệt lăng quăng tại chính ngôi nhà của mình. Hiện Trung tâm Y tế Bắc Bình đã tiến hành phun hóa chất xử lý dứt điểm tại 2 ổ dịch này và một số nơi khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thị trấn Chợ Lầu, xã Hải Ninh, xã Hồng Thái. Cùng với đó cấp phát tài liệu, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hộ dân.
Bác sĩ Thọ khẳng định: Trong công tác phòng chống bệnh SXH, diệt lăng quăng là vấn đề gốc. Việc người dân không chủ động đậy nắp các vật chứa nước, để nước đọng chính là môi trường thuận lợi sinh lăng quăng, làm bệnh SXH gia tăng. Chính vì thế, cùng với việc phun hóa chất tại một số nơi có nguy cơ mắc bệnh SXH cao như ở Phan Rí Cửa (Tuy Phong), Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), Tân An (La Gi) và đang thực hiện ở Nam Chính (Đức Linh), thì ngành y tế các địa phương cũng tăng cường truyền thông, vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm, loại bỏ những vật phế thải xung quanh nhà gây đọng nước, mắc màn khi ngủ... Hiện đang là thời điểm mùa mưa, dịch SXH dễ phát sinh, phát triển trong năm, vì thế người dân không được chủ quan, khi có dấu hiệu bệnh phải đi khám và điều trị bệnh kịp thời nhằm hạn chế trường hợp tử vong.
Thùy Linh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/y-te/khong-chu-quan-voi-sot-xuat-huyet-2020-132155.html