Không chủ quan với sốt xuất huyết

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm sâu so với cùng kỳ nhưng từ đầu năm đến nay, Phú Yên đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc cảnh báo người dân phải đi khám bệnh sớm, không tự ý dùng thuốc tại nhà vì giai đoạn bớt sốt (ngày thứ 3 đến ngày thứ 5) cũng là giai đoạn bệnh có thể diễn tiến nặng dần. Vào viện muộn sẽ bỏ lỡ cơ hội được cứu sống.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo y văn, bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 tuýp; cả bốn tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, diễn tiến nhanh, bệnh nhân có thể tử vong từ ngày thứ 3 cho đến cuối ngày thứ 5 kể từ khi phát bệnh.

Virus Dengue lây truyền qua muỗi Aedes aegypti đốt. Sau thời gian ủ bệnh (kéo dài từ 4-10 ngày) sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt, bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục 39-400C, kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt. Đồng thời người bệnh có cảm giác đau đầu dữ dội (ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu); có thể nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; cảm thấy chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp…

Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành Y tế đi kiểm tra thực địa việc diệt bọ gậy, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Tuy An, năm 2020. Ảnh: YÊN LAN

Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành Y tế đi kiểm tra thực địa việc diệt bọ gậy, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Tuy An, năm 2020. Ảnh: YÊN LAN

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh SXH thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã bớt sốt. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo: Bớt sốt không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải theo dõi sát biểu hiện của SXH có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành SXH nặng.

Thống kê cho thấy 90% các trường hợp tử vong do SXH là dưới 15 tuổi. Theo một bác sĩ chuyên khoa Nội - Nhi, khi trẻ sốt liên tục, li bì, cho dù đã dùng thuốc hạ sốt và đã được lau mát nhưng trẻ vẫn sốt thì phải nghĩ đến SXH.

Triệu chứng của SXH là sốt liên tục cộng với xuất huyết trong tế bào, làm mất huyết tương nên hồng cầu trong máu sẽ bị cô đặc. Thông thường, lượng tiểu cầu từ 150.000-400.000/ml máu. Bệnh nhân mắc SXH từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, lượng tiểu cầu giảm xuống, có thể chỉ còn 30.000, 20.000 hay 10.000/ml máu, dẫn đến rối loạn đông máu, nguy cơ xuất huyết não, xuất huyết tại các cơ quan nội tạng tăng cao…

Vào viện muộn sẽ bỏ lỡ cơ hội được cứu sống

Phú Yên là nơi xảy ra SXH quanh năm, cao điểm vào các tháng 6, 7 và 8. Năm 2020, tuy không phải là năm chu kỳ của dịch bệnh này nhưng số trường hợp mắc SXH tăng cao: hơn 7.000; 2 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 252 trường hợp mắc SXH, giảm 55% so với cùng kỳ; có 8 ổ dịch, giảm 9 ổ dịch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đau lòng là có 2 trường hợp tử vong do SXH (một trẻ 5 tuổi ở TX Đông Hòa, một trẻ 7 tuổi ở huyện Sông Hinh).

Người dân phải đi khám bệnh sớm, không tự ý dùng thuốc tại nhà vì giai đoạn bớt sốt (ngày thứ 3 đến ngày thứ 5) cũng là giai đoạn bệnh có thể diễn tiến nặng dần. Vào viện muộn sẽ bỏ lỡ cơ hội được cứu sống.

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Trần Ngọc Dưng, hai trường hợp trên đều đến cơ sở y tế muộn; một cháu mắc bệnh tan máu bẩm sinh, làm nặng thêm bệnh cảnh SXH; cháu kia thì bệnh diễn tiến nặng rất nhanh.

Bác sĩ Trần Ngọc Dưng khuyến cáo: Khi người nhà có dấu hiệu sốt liên tục, uống thuốc giảm sốt chỉ giảm được một lát rồi sốt trở lại và có những triệu chứng kèm theo như đau đầu, đau bụng, đau tức vùng gan, nôn…; có dấu hiệu xuất huyết dưới da; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, lợi; tiểu ra máu; xuất huyết nội tạng như nôn ra máu, đi đại tiện phân đen… thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay.

“Diễn tiến của SXH còn tùy theo thể bệnh. Trẻ đang sốt vẫn có thể chơi bình thường, nhưng nếu không theo dõi sát những triệu chứng, những dấu hiệu cảnh báo và có biện pháp can thiệp tích cực thì bệnh có thể diễn tiến dẫn đến sốc, rất nguy hiểm”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng cho biết.

Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát việc khám, sàng lọc, phân loại, theo dõi sát những diễn biến của bệnh SXH để có chỉ định kịp thời; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị để triển khai cấp cứu; duy trì đội hỗ trợ điều trị SXH tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để tư vấn, hội chẩn, hỗ trợ cho tuyến dưới…

Với hệ dự phòng, sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch phun hóa chất chủ động, dự kiến khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6. Bác sĩ Trần Ngọc Dưng nhấn mạnh: “Việc phun hóa chất chủ động nhằm diệt muỗi trưởng thành. Vấn đề tiên quyết trong phòng chống dịch bệnh SXH vẫn là từng hộ gia đình duy trì thường xuyên việc diệt bọ gậy; chính quyền các cấp, các đoàn thể… tổ chức các đợt chiến dịch diệt bọ gậy, vì Phú Yên là nơi SXH có quanh năm”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/95/253598/khong-chu-quan-voi-sot-xuat-huyet.html