'Không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm'
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm, suy nghĩ không đúng về cấp dưới.
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 về việc tổ chức Tết năm 2020. Đáng chú ý, Chỉ thị quán triệt nghiêm túc việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.
Băn khoăn, lo lắng và mất nhiều thời gian cho chuyện quà cáp cấp trên, đó là những biểu hiện thường thấy mỗi dịp lễ, Tết. Còn nhớ, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 28/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Tết này, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng nữa. Miền Nam không ra Bắc và miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.
Thực hiện chỉ đạo đó, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 2/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, nhìn chung hiện tượng chúc Tết đã giảm cơ bản; chỉ đạo này được thực hiện nghiêm túc.
Năm nay, Chỉ thị của Ban Bí thư một lần nữa đề nghị thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp.
Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết. Chỉ thị của Ban Bí thư được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ.
Theo ông Lưu Xuân Tiếp (ở Hà Nội), phải có cơ chế chính sách buộc các bộ, ngành địa phương phải làm việc này. Trung ương Đảng, Chính phủ có Chỉ thị như vậy nếu phát hiện cán bộ ở cấp nào, dù bất kể hình thức nào có biểu hiện tặng quà không đúng quy định thì cần có biện pháp xử lý kịp thời. Còn nếu chỉ nói trên giấy, không đi vào thực tế cuộc sống thì sẽ không có ý nghĩa gì.
Chưa biết sau Chỉ thị của Ban Bí thư, các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện quy định này như thế nào, nhưng ngay ở Thủ đô Hà Nội, người dân không muốn thấy những chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh lòng vòng, ngang dọc, vừa gây ùn tắc giao thông, vì ai cũng hiểu, địa phương lên Trung ương vào dịp cận Tết có mục đích gì. Với Chỉ thị của Ban Bí thư, người dân kỳ vọng góp phần đẩy lùi tiêu cực, lợi dụng tặng quà Tết để biếu xén, tham nhũng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm. Không phải không biếu quà thì thành kiến, suy nghĩ không đúng về cấp dưới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 40 sẽ tạo nếp sống tốt đẹp, ứng xử giữa lãnh đạo cấp trên với cấp dưới, giữa con người với nhau để xã hội ngày càng tốt đẹp thêm.
"Đây là ứng xử giữa con người với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới. Đã là nét văn hóa thì tự nó điều chỉnh. Điều chỉnh ngay lập tức cũng khó vì đã thành nếp sống nhưng nếu quyết tâm làm sẽ thành công. Tôi tin với quyết tâm đồng tình ủng hộ của cán bộ đảng viên, lãnh đạo quản lý các cấp đồng tình với Chỉ thị của Ban Bí thư và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân đồng tình ủng hộ thì nhất định tạo ra chuyển biến"- ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết.
Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức là tạo ra hình ảnh đẹp về người cán bộ liêm chính, vì dân, thể hiện nhất quán tinh thần hành động của bộ máy hành chính.
Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người tặng quà cũng chỉ dám đến 1 lần, 2 lần, lần thứ 3 sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn “lấp lửng” là cớ lần sau họ lại đến.
“Đảng đã có chỉ đạo việc kiểm tra giám sát nhưng không gì bằng những đồng chí có trách nhiệm làm sao thấm nhuần, hiểu biết sâu sắc việc thực hiện Chỉ thị đó mà tự giác thực hiện trong ngành, địa phương, đơn vị mình. Từng đồng chí có ý thức thì công việc chuyển biến tốt, bên cạnh đó việc giám sát của cơ quan có trách nhiệm và giám sát của dân cũng đánh giá đúng đắn. Đừng để Nghị quyết, Chỉ thị mà cuối cùng thực hiện không đến nơi đến chốn" - ông Phạm Thế Duyệt nói.
Việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức là điều khó vì đã thành nếp sống, nhưng cán bộ đảng viên, lãnh đạo quản lý tất cả các cấp đồng tình với Chỉ thị của Ban Bí thư thì nhất định sẽ thành công.
Hy vọng, Tết Nguyên đán năm nay sẽ tạo bước chuyển quan trọng, tạo niềm tin cho nhân dân về một đội ngũ cán bộ minh bạch, liêm khiết, cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.