Không có bảo hiểm y tế, người bệnh tự trả phí điều trị Covid-19
Từ sự chung sức chung lòng đẩy lùi Covid-19 mang lại kết quả tốt như mong muốn, đến nay, Bộ Y tế ban hành quyết định điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Chung sức chung lòng đẩy lùi Covid-19
Nhìn lại khoảng thời gian hơn 3 năm chống dịch Covid-19, ắt nhiều người không thể nào quên những ngày tháng gian nan, đối mặt với nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp của các biến chủng mới. Đặc biệt, biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng, gây nhiều hậu quả nặng. Những ngày tháng ấy, là những ngày đêm không ngủ của các “chiến sĩ áo trắng”. Họ gác lại tất cả riêng tư, quả cảm căng mình làm việc nơi tuyến đầu để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sức khỏe và bảo vệ tính mạng cho người dân.
Sự chiến thắng dịch Covid-19 như hôm nay, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; đánh giá đúng diễn biến thực tế, tình hình dịch bệnh tại tỉnh, kịp thời phát hiện và khống chế việc phát sinh các trường hợp F0 trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đã ban hành các quyết định về phương án đáp ứng với từng cấp độ dịch Covid-19 tại Bình Thuận.
Hay nói cách khác, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”. Nhân lực, vật lực của toàn xã hội được kích hoạt tham gia có hiệu quả vào việc phòng chống dịch Covid-19. Tất cả sự nỗ lực ấy thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm của từng cá nhân. Đó là người dân đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng bệnh (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tiêm vắc xin đủ liều...) theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; vật tư y tế, thuốc điều trị, y bác sĩ luôn đáp ứng với tình huống xuất hiện dịch theo từng cấp độ; không ít tổ chức, cá nhân quyên góp tiền, hiện vật để phòng chống Covid-19…
Chuyển bệnh Covid-19 sang nhóm B
Từ sự chung sức chung lòng đẩy lùi Covid-19 mang lại kết quả tốt như mong muốn, đến ngày 20/10/2023, Bộ Y tế ban hành quyết định điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 2, điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Các hoạt động phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 2 điều 3 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, các bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Cụ thể, bệnh do vi rút Adeno, bệnh HIV/AIDS, bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, liên cầu lợn ở người, bệnh lỵ Amibe, bệnh lỵ trực trùng, quai bị, bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, sởi, tay-chân-miệng, bệnh than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, Rubeon, viêm gan vi rút, viêm màng não do não mô cầu, viêm não vi rút, xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do vi rút Rota.
Tại Thông tư 20 của Bộ Y tế về ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), quỹ BHYT thanh toán điều trị Covid-19 theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Theo Bộ Y tế, nếu bệnh nhân được điều trị từ ngày 19/10 trở về trước đó, thì ngân sách nhà nước thanh toán. Còn điều trị từ ngày 20/10 quỹ BHYT thanh toán. Nếu người bệnh vào viện trước ngày 20/10 và ra viện từ ngày 20/10 trở về sau, thì quỹ BHYT vẫn thanh toán theo nguyên tắc là nhóm A. Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị Covid-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán.
Người bệnh đi khám chữa bệnh Covid-19 phải thực hiện theo quy định đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ phải chi trả phần cùng chi trả hoặc tự chi trả.