Không có biến động bất thường về chi phí định mức xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, qua rà soát cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, chi phí định mức xăng dầu có khoản tăng, có khoản giảm nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi, rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết thúc năm tài chính mới phản ánh đầy đủ chi phí kinh doanh định mức

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có văn bản đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo các khoản chi phí phát sinh (Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, khoản Premium trong nước; Chi phí kinh doanh định mức) để tổng hợp, rà soát.

Trên cơ sở báo cáo chi phí thực tế thực hiện của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, số liệu tổng hợp từ kết quả khảo sát, đánh giá và kiểm chứng xác suất một số tài liệu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp và thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo khoản chi phí định mức xăng dầu.

Về khoản chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 28/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho thấy, có 02 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022; 02 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm; 03 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường; 21 đơn vị không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh.

Trên cơ sở thông tin thực tế thực hiện tại báo cáo của doanh nghiệp cho thấy, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách, hoạt động của doanh nghiệp (tiền lương, tiền thuê đất, tỷ giá, hàng tồn kho...) nên phải sau khi kết thúc năm tài chính mới phản ánh được đầy đủ và đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá khoản chi phí định mức kinh doanh xăng dầu để điều chỉnh sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên để về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối năm 2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Về khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, trong năm 2022, khoản chi phí này đã được Bộ Tài chính rà soát, thống nhất với Bộ Công Thương điều chỉnh 03 lần vào ngày 10/01/2022; ngày 10/7/2022 và ngày 08/11/2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp 03 lần và đã thống nhất với Bộ Công Thương để ban hành 02 thông báo điều chỉnh vào ngày 10/01/2023 và ngày 21/02/2023; trong đó, mức điều chỉnh tăng, giảm tùy theo từng chủng loại xăng dầu.

Về khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và khoản Premium trong nước, trong năm 2022, khoản chi phí này đã được Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp 03 lần và thống nhất với Bộ Công Thương để ban hành thông báo điều chỉnh 02 lần vào ngày 10/01/2022 và ngày 10/7/2022.

Từ đầu năm 2023 đến nay, khoản chi phí này cũng được Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp 03 lần và đã thống nhất với Bộ Công Thương để ban hành Thông báo điều chỉnh 02 lần vào ngày 10/01/2023 và ngày 21/02/2023 với mức điều chỉnh tăng, giảm tùy theo từng chủng loại xăng dầu.

Kỳ tổng hợp ngắn dẫn đến một số chủng loại xăng, dầu không có dữ liệu về chi phí

Trên cơ sở số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện và diễn biến thị trường xăng dầu trong nước từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Bộ Tài chính cũng cho biết không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, qua thời gian tổ chức thực hiện rà soát tổng hợp, thống kê các khoản chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu vào ngày 20 hàng tháng theo Công điện số 1085/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do chuỗi số liệu trong kỳ tổng hợp ngắn (01 tháng) nên một số chủng loại xăng, dầu không có dữ liệu về chi phí để tổng hợp đánh giá trong kỳ. Nguyên nhân do trong khoảng thời gian kỳ báo cáo, doanh nghiệp chưa phát sinh hoạt động nhập khẩu hoặc mua một số chủng loại xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước nên không phát sinh chi phí trong kỳ thực hiện báo cáo.

Qua rà soát các khoản chi phí phát sinh từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính cho biết, có khoản chi phí tăng, có khoản chi phí giảm nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường. Điển hình như tại kỳ rà soát, tổng hợp ngày ngày 20/03/2023 (các khoản chi phí doanh nghiệp báo cáo thực hiện từ ngày 01/02/2023 đến ngày 28/02/2023), nếu so sánh mức tăng, giảm chi phí tại kỳ rà soát với giá cơ sở kỳ tại điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2023 do Bộ Công Thương công bố thì mức tăng, giảm của khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng chiếm khoảng -1,3% đến + 0,8% (trong thời gian đó doanh nghiệp không phát sinh nhập khẩu xăng nền để pha chế xăng E5 Ron 92 và Dầu hỏa); khoản Premium trong nước chiếm khoảng + 0,1% đến +0,5%; khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng chiếm khoảng -1,1% đến + 0,3%, tùy theo từng chủng loại mặt hàng.

Từ vấn đề nêu trên, sau thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022: “Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi, rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khong-co-bien-dong-bat-thuong-ve-chi-phi-dinh-muc-xang-dau.html