Không có bứt phá trong phát triển giáo dục đại học

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá giáo dục đại học trong nước có phát triển nhưng chậm, cần sự bứt phá.

Dù có sự gia tăng về quy mô và chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn đánh giá chưa có sự bứt phá cần thiết.

Dù có sự gia tăng về quy mô và chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn đánh giá chưa có sự bứt phá cần thiết.

Bàn về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục, ngày 5-11, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người (tăng 30,74%); tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% lên 31,28%...

Tuy nhiên, thể chế, chính sách trong giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế về chất lượng giáo dục đại học gồm: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất; hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ; năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.

Bộ trưởng nhận định: Có thể nói, giáo dục đại học đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống với một số lượng sinh viên tương đối ổn định, khoảng trên 500.000 sinh viên; số lượng giảng viên nhích lên về số lượng, cải thiện về học hàm học vị; ranking cũng nhích lên, một số trường vào top 1000 trường đại học thế giới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “tốc độ phát triển đó có thể nói ngay là chậm - có nhưng mà chậm, không có bứt phá trong sự phát triển giáo dục đại học”.

"Cái chúng ta cần hệ thống giáo dục đại học ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá. Cho nên, câu chuyện chúng ta bàn từ đầu đến giờ cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng đề xuất với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Bộ trưởng nhấn mạnh tới nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường đại học.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ đại học chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác. Bộ trưởng cũng dẫn chứng cụ thể những vướng mắc từ các quy định về đơn vị tự chủ công lập, vấn đề viên chức, vấn đề quản lý tài sản công, vấn đề sở hữu trí tuệ…

Theo Bộ trưởng, điều cần làm lúc này là phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, chiều sâu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khong-co-but-pha-trong-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-post557071.antd