Không có chuyện mở cửa hàng không đón khách ồ ạt
Bộ GTVT cần dự báo được tương lai của hàng không trong tình hình mới, từ đó đưa ra chính sách phù hợp, để khi hàng không quốc tế phục hồi các hãng trong nước phải đứng dậy ngay.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để trình Chính phủ phương án mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện mở cửa ào ạt và không vội đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tại hội thảo “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”, do Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam và Viện Kinh tế - xã hội và công nghệ tổ chức, diễn ra ngày 26-11.
Hai năm nữa hàng không mới phục hồi
Với việc mở lại toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế thường lệ trong năm 2020 không khả thi, ông Phạm Văn Hảo dự báo thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 36,5 triệu khách (giảm 54% so với năm 2019).
Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 66 triệu lượt (giảm 43,5%). Thị trường sẽ chỉ đạt mức năm 2019 vào cuối năm 2022.
Trước tình thế khó khăn của ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp như giảm giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Song song đó, rà soát giờ cất, hạ cánh (slot) hàng ngày tại các sân bay, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất để kịp thời phân bổ cho các hãng hàng không đưa vào khai thác các chuyến bay nội địa, tránh tình trạng bỏ phí slot.
“Với việc tận dụng tối đa slot, hoạt động vận chuyển nội địa thực sự đã khởi sắc, sản lượng vận chuyển tháng 9 và 10 chỉ kém cùng kỳ năm 2019 từ 5-10%” - ông Hảo cho hay.
Ngoài ra, nhà chức trách hàng không kịp thời báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ giải pháp phục hồi đường bay thương mại quốc tế. Đến nay phương án tổ chức chuyến bay, bao gồm các chuyến bay trọn gói được thí điểm, đem lại thuận lợi cho hãng hàng không.
Tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn cho rằng sức tàn phá của dịch COVID-19 rất lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỉ USD trong năm nay.
Thị trường nội địa mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh về sản lượng khách, tuy nhiên sức mua còn yếu. Do thị trường dư thừa cung ứng khiến cho giá vé giảm mạnh.
“Thị trường quốc tế về cơ bản vẫn trong tình trạng đóng băng, các chuyến bay khai thác vẫn chủ yếu là hồi hương và thuê chuyến chở chuyên gia. Áp lực về thâm hụt dòng tiền rất lớn khi mặc dù không bay hoặc bay ít nhưng các hãng hàng không vẫn phải trả các chi phí cố định như thuê mua, bảo dưỡng máy bay…”- đại diện một hãng bay nói.
Theo Vietnam Airlines, 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu của hãng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỉ đồng. Ước tính cả năm 2020, doanh thu giảm hơn một nửa so với năm 2019. Số lỗ hợp nhất vào khoảng 14 -15 ngàn tỉ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15 ngàn tỉ đồng.
Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, cho rằng hiện hãng có 6.000 người lao động, đã giảm lương từ 50%-70% đối với quản lý cấp cao và cấp trung. Đồng thời, hãng chi trả mức thu nhập tối thiểu từ 8 – 10 triệu đồng đối với người lao động khác nhưng tình hình vẫn tiếp tục khó khăn.
Đồng loạt xin giảm giá, thuế
Với khó khăn trên, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho hay Vietjet Air và các hãng hàng không đồng loạt đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ tiếp tục giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá.
Cạnh đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 900 đồng/lít đến hết năm 2021; Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hình thức cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên…
Riêng ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng Giám đốc Bamboo Airways, đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét, có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ Vietnam Airlines.
Cạnh đó, ban hành các chính sách miễn, giảm thêm các loại thuế phí, giãn hoãn thời gian nộp, đặc biệt loại phí thu hộ như phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh…
Đại diện Vietnam Airlines cũng mong muốn Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới hạ tầng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Hiện nay, tổng công suất thiết kế của 22 sân bay đạt hơn 96 triệu khách/năm. Tuy nhiên, lượng khách thực tế thông qua năm 2018 đã đạt khoảng 103 triệu lượt, năm 2019 vượt con số 112 triệu.
“Tần suất khai thác thực tế đã vượt xa thiết kế, khiến các đường băng, đường lăn bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều lần phải đóng cửa để sửa chữa. Điều này dẫn đến việc chậm, hủy chuyến liên tục, gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành hàng không…” - đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Cần dự báo ngành hàng không trong tình hình mới
PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng, nhận định với tình hình hiện nay thị trường nội địa là chỗ dựa quan trọng, nên ngành phải tìm cách làm cho sôi động hơn.
Trong đó, ông gợi ý cần phối hợp với ngành du lịch để tạo ra sức cầu nội địa. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh này.
Cạnh đó, ông Thiên kiến nghị Bộ GTVT cần dự báo được tương lai của hàng không trong tình hình mới. Từ đó có chính sách phù hợp để khi hàng không quốc tế hồi phục Việt Nam phải đứng dậy ngay lập tức.
“Thời điểm này trật tự hàng không thay đổi kinh khủng, nó quyết định cuộc chơi. Nếu hãng hàng không trong nước bứt phá lên được thì rất tốt. Tôi tin sẽ có một trật tự hàng không mới” - ông Thiên nhấn mạnh.
Trước khó khăn của ngành hàng không, PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Viện Kinh tế xã hội và Công nghệ, cho rằng trước mắt các hãng cần hạn chế đến mức cao nhất sự cạnh tranh nội bộ với nhau, đặc biệt là các hoạt động cạnh tranh có tính chất “triệt hạ” lẫn nhau.
“Cạnh đó, tích cực tìm kiếm các nguồn tín dụng và các gói hỗ trợ từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế để khắc phục khó khăn trước mắt…” - ông Phúc đề xuất.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/khong-co-chuyen-mo-cua-hang-khong-don-khach-o-at-952245.html