'Không có chuyện người dân muốn gặp lãnh đạo thì phải làm đơn'

Bà Trần Kim Yến khẳng định việc tiếp công dân là trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và không có chuyện 'người dân muốn gặp lãnh đạo thì phải làm đơn'.

Chiều 3-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 gồm ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH và ĐB Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh, trước kỳ họp thứ 6 QH khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, các vấn đề về tài sản công, sắp xếp khu phố, ấp, cải cách hành chính (CCHC)… được nhiều cử tri nêu ý kiến.

Kỹ thuật số mà dân phải khai... quá trời quá đất

Cử tri Nguyễn Đình Cường, phường 25, cho rằng việc sắp xếp khu phố, ấp là chủ trương rất lớn, Trung ương và TP.HCM cần nghiên cứu chặt chẽ. Ông đề xuất việc này cần thực hiện theo lộ trình, thí điểm chứ không thể làm đại trà được.

Cử tri Cường cho rằng việc chọn lựa bí thư chi bộ, trưởng khu ấp là việc khó, và đề xuất trong năm thành phần cốt cán của khu phố cần cơ cấu một cán bộ công an.

 Cử tri Nguyễn Đình Cường, phường 25, phản ánh tình trạng người dân còn phải kê khai nhiều thủ tục. Ảnh: LÊ THOA

Cử tri Nguyễn Đình Cường, phường 25, phản ánh tình trạng người dân còn phải kê khai nhiều thủ tục. Ảnh: LÊ THOA

“Tôi thấy thương lãnh đạo TP, quận, phường vì lúc này các đồng chí vừa tập trung sức lực để thực hiện Nghị quyết 98, vừa thực hiện các chủ trương sắp xếp này. Như vậy dồn không biết bao nhiêu công việc...” - cử tri Nguyễn Đình Cường chia sẻ.

Cử tri Cường cũng cho rằng hiện nay từ TP đến phường đều kêu gọi chuyển đổi số, chính quyền số, làm sao để thủ tục ngắn gọn, có lợi cho người dân nhưng nhiều lĩnh vực còn yêu cầu người dân phải “khai quá trời quá đất”, trình nhiều giấy tờ.

“Ngay cả đơn vị cấp nước cũng bắt khai thông tin, tôi hỏi thì được cho biết là khai vậy để lưu, như thế là lưu văn bản giấy... thời đại 4.0 mà” - cử tri Cường nói thêm.

Cử tri Nguyễn Thị Minh Sáu, phường 17, nhìn nhận công tác CCHC của TP hiện rất tốt nhưng đâu đó vẫn có những việc rất khó giải quyết. “Đơn cử, khi gặp lãnh đạo mà người dân làm đơn thì có phải CCHC không, làm người dân chờ không biết bao lâu nữa…” - bà Sáu phản ánh.

Gặp lãnh đạo phải có đơn là việc 'choáng váng'

Trao đổi với cử tri, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, đã hỏi cử tri Minh Sáu về phản ánh muốn gặp lãnh đạo phải làm đơn xảy ra ở đâu.

Ông Phương cho biết việc gặp lãnh đạo mà phải có đơn là “choáng váng”. Theo ông Phương, người dân phải “xin” để gặp lãnh đạo là sai, cần xử lý, chấn chỉnh ngay.

“Tiếp công dân phải có lịch, ai tiếp ngày nào, giờ nào cụ thể. Người dân đến không cần đem gì đến cũng được, chứ nói gì phải cần đơn” – ông Phương nói.

 ĐBQH Trần Kim Yến trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

ĐBQH Trần Kim Yến trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

ĐBQH Trần Kim Yến khẳng định không có chuyện người dân muốn gặp lãnh đạo thì phải làm đơn. Bà cho biết nguyên tắc của việc tiếp công dân là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và mỗi tuần đều phải có lịch tiếp công dân.

ĐB Yến đề nghị tổ thư ký cần ghi nhận lại địa chỉ cụ thể để có phản ánh đúng nơi.

 ĐBQH Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri Nguyễn Đình Cường bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

ĐBQH Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri Nguyễn Đình Cường bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Đi sâu vào công tác CCHC, ĐB Đỗ Đức Hiển nhìn nhận vừa qua cử tri phấn khởi trước những kết quả đạt được khi các cơ quan đã đơn giản hóa nhiều thủ tục. Một việc đơn giản như trước đây khi muốn giải quyết công việc phải dùng đơn thì hiện nay hầu hết đã được thay bằng phiếu yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

“Điều này thể hiện quyền của người dân trong yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Đây là chuyển đổi rất lớn trong nhận thức” – ĐB Hiển nói.

ĐB Hiển cũng nhìn nhận đúng như cử tri phản ánh hiện nay trong một số trường hợp người dân còn phải kê khai, nộp nhiều giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính. Còn tình trạng này là bởi hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc liên thông với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Thời gian tới, nếu việc này được thực hiện tốt sẽ giảm bớt việc xuất trình giấy tờ, thông tin cá nhân của người dân.

ĐB Đỗ Đức Hiển cũng ghi nhận vấn đề này và sẽ có kiến nghị đến các cơ quan có liên quan rà soát, với tinh thần hạn chế phát sinh thêm thủ tục không cần thiết gây khó khăn cho người dân.

Sắp xếp khu phố, ấp sẽ ít ảnh hưởng đến giao dịch

Về sắp xếp khu phố, ấp, ĐB Trần Kim Yến cho biết TP.HCM có đặc điểm rất riêng so với cả nước là dưới khu phố, ấp còn có tổ dân phố, tổ nhân dân và việc này đã áp dụng hơn 40 năm qua. Do đó, trên tinh thần bây giờ TP phải thực hiện đúng quy định.

Theo ĐB Yến, việc sắp xếp này cần có lộ trình thực hiện, đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận việc này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các giao dịch của người dân vì thông thường các giao dịch cần khai báo số nhà, tên đường, phường, quận, huyện, TP.

Theo lộ trình việc sắp xếp khu phố, ấp sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 2-2024 và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện đến cuối năm 2024.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-co-chuyen-nguoi-dan-muon-gap-lanh-dao-thi-phai-lam-don-post754651.html