Chống lãng phí trong quy hoạch quản lý sử dụng quỹ đất
Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, các ĐBQH đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của đại bộ phận người dân. Nổi lên trong đó là việc quy hoạch quản lý sử dụng quỹ đất làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí.
1.Do quá trình phát triển kinh tế xã hội, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng... với quy mô sử dụng đất lớn, làm tăng nhu cầu sử dụng một số loại đất tại các địa phương có dự án so với chỉ tiêu đã được phân bổ nên tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhằm có đủ thời gian tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường hôm đầu tuần qua, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) nêu vấn đề, cần phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi theo vị ĐB này: Hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội, đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đáng nói, đóng góp vào sự lãng phí này, theo ĐBQH đến từ Phú Thọ đó là sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất, tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn của các địa phương. Mặc dù, “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất nông, lâm nghiệp được thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng, đặt đấu tranh phòng chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Song, thực tế đáng buồn là có địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt với các quỹ đất này nhưng lại gặp rất nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai”, ĐB nói.
2.Về lĩnh vực này, theo Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh với các nội dung chủ yếu gồm: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Chính phủ cũng đề xuất nội dung Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: "Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025" và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nói về nội dung này, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trước khi thảo luận tình hình kinh tế xã hội 1 ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, qua 3 năm tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến nay, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đã không còn phù hợp. Đơn cử như việc tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Điều này lý giải vì sao ĐBQH Nguyễn Thành Nam nhận xét tại nghị trường về việc còn tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai những năm qua, là "đất khóc, người than". Giải mã hiện tượng này, vị ĐB tỉnh Phú Thọ cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.
3.Trên cơ sở những quy định mới của pháp luật, với quan điểm phát triển bám sát thực tiễn, tránh tư duy pháp lý thuần túy trong điều kiện hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đồng bộ, ĐB Nguyễn Thành Nam đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét giải quyết, tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương được thuận lợi khai thác các quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ sớm, chuyển giao các cơ sở nhà đất do bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã hoang hóa hàng chục năm. Ông Nam nói và cho biết, ngay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng có những vị trí đất như thế.
Để tạo điều kiện cho địa phương sớm tiếp cận được quỹ đất cần được tiếp cận, không thể không nhắc đến các thủ tục hành chính. Thực tế, chúng ta đã đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều thủ tục đã đơn giản hơn; cũng đã bước đầu chuyển đổi số thành công ở một số khâu trong chuỗi thủ tục hành chính liên quan đất đai. Tuy nhiên, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành. Có những dự án từ đầu năm 2021 mà đến nay vẫn chưa ra khỏi “rừng” thủ tục dù đã được “phát quang” kha khá. Vẫn còn tình trạng một cửa mà nhiều khóa và nhiều người giữ chìa khóa. Điều này khiến nhà đầu tư tâm tư không ít.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nhận xét, ngay trong kỳ họp lần này Chính phủ đã trình rất nhiều nội dung, ví dụ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc của các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa,… thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Tôi rất mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, những công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay, ví dụ những các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, các bản án, các dự án chậm do triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ,… để tháo gỡ, có thể ban hành các cơ chế đặc thù thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở số một số địa phương cụ thể để nhằm đánh giá và nhân rộng nhằm phát huy nguồn lực phát triển của đất nước.”
Thế nên, dù điều chỉnh quy hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất là điều nên làm; nhưng kèm với đó là quá trình thực thi và giám sát việc thực thi làm sao để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng cho tiến trình phát triển.