'Không có con đường ấy, không có chiến dịch này'

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với tiến trình của cách mạng, Lữ đoàn Công binh 219 (Quân đoàn 2) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập nên thành tích đặc biệt xuất sắc.

Cách đây 70 năm, vào ngày 31-10-1952, Tiểu đoàn Công binh 106 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Công binh 219) được thành lập tại khu rừng Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ngày đó, vũ khí, trang bị còn thô sơ, nhưng với lòng quyết tâm sắt đá, Tiểu đoàn Công binh 106 đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tự lực, tự cường, sáng tạo trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường qua đèo Lũng Lô; tham gia mở nhiều con đường chiến lược như: Pha Đin, Sơn La, Chiềng Puốc, Đèo Mèo, đường qua Tuần Giáo...

 Đội bảo đảm cơ động bằng phà GSP của Lữ đoàn Công binh 219 tham gia Hội thao Công binh toàn quân năm 2021. Ảnh: HỒNG QUÂN

Đội bảo đảm cơ động bằng phà GSP của Lữ đoàn Công binh 219 tham gia Hội thao Công binh toàn quân năm 2021. Ảnh: HỒNG QUÂN

Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn đã tham gia đào hầm chia cắt sân bay Mường Thanh, đào hầm đặt thuốc nổ với khối lượng lớn, góp phần vào chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Tiểu đoàn vinh dự được Bác Hồ tặng Cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, quyết thắng", Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh giá: "Đội Công binh mở đường thắng lợi, suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững giao thông, không có con đường ấy, không có chiến dịch này".

Hòa bình lập lại, vào tháng 3-1958, Tiểu đoàn Công binh 106 phát triển thành Trung đoàn Công binh 219, được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng, kinh tế như: Đắp đê Phú Thọ, đắp đê Mai Lâm, xây dựng cầu Bắc Giang; xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc, công trình thủy nông Bắc-Hưng-Hải; xây dựng quân cảng Hạ Long, sân bay Kép... Thời gian này, theo yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát huy truyền thống "Mở đường thắng lợi", Trung đoàn mở đường ở nhiều mặt trận từ Bắc vào Nam, đường xuyên qua Trường Sơn sang nước bạn Lào, đường xuống đồng bằng, góp phần tạo nên huyết mạch giao thông trong kháng chiến.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng, ngày 17-5-1974, Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang được thành lập. Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn và được biên chế trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn chủ lực cơ động. Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng công binh của Quân đoàn do Lữ đoàn Công binh 219 làm nòng cốt đã bảo đảm tốt đường cơ động cho các lực lượng của Quân đoàn tiến công giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, các tỉnh dọc duyên hải miền Trung và tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đất nước độc lập, thống nhất, vết thương chiến tranh chưa lành, kẻ thù âm mưu xâm lược, phá hoại hòa bình và cuộc sống yên lành của nhân dân ta. Từ mảnh đất Thừa Thiên Huế, Lữ đoàn nhanh chóng tổ chức bảo đảm đường cơ động cho Quân đoàn thực hiện hai cuộc hành quân thần tốc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ mới, với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, ra sức nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 1994 đến nay, ngoài công tác huấn luyện, SSCĐ, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom, mìn, vật liệu nổ phục vụ xây dựng các công trình quốc phòng, dân sinh và làm sạch đất đai phục vụ sản xuất, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tập trung trí tuệ, đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Với những chiến công và thành tích vẻ vang trong chiến đấu và công tác, Lữ đoàn Công binh 219 đã viết nên những trang sử hào hùng. Lữ đoàn và 3 tập thể: Đại đội 5, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2 vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp và tướng lĩnh trong Quân đội. Từ năm 2018 đến nay, Lữ đoàn được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tặng thưởng 4 Cờ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội đã và đang đặt ra cho Lữ đoàn những khó khăn, thách thức và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao. Phát huy truyền thống: “Đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, quyết thắng” của Lữ đoàn và truyền thống: “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Đại tá PHẠM THANH QUANG (Chính ủy Lữ đoàn Công binh 219)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/khong-co-con-duong-ay-khong-co-chien-dich-nay-709322