Không có Đảng, Nhà nước, đời thầy không biết đi về đâu
Nhờ có chính sách của Đảng, các quy định của nhà nước, thầy cũng không biết bây giờ mình đang ở đâu, đồng bào ở vùng này có lẽ vẫn quẩn mãi trong nghèo khó.
Trong cái lạnh của mùa Xuân trong dãy Trường Sơn, chúng tôi có dịp trò chuyện với thầy giáo Hồ Văn Phùng (sinh năm 1979) là người Vân Kiều trên điểm trường Pa Lin của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao.
Sau bữa cơm trưa đạm bạc, thầy Phùng tâm sự về hành trình đã qua, mang theo nhiều kỷ niệm.
Từ trung tâm xã A Vao (huyện Đakrong, Quảng Trị), chúng tôi đi xuyên qua rừng già Trường Sơn, trên con đường độc đạo để đến với điểm trường Pa Lin.
Mùa này hoa lau, hoa đót đã chuẩn bị vào mùa.
Đời sống bà con người Pa Kô, Vân Kiều nay đã có nhiều đổi khác nhưng vẫn vất vả vô cùng.
Nhiều năm về trước, những đứa trẻ ở Pa Lin vẫn như hòn đất núi vẫn lăn lóc theo cha mẹ đến những sườn đồi để thu hái đót.
Những đứa trẻ thiếu học, thiếu sự chăm sóc của thầy cô lớn lên như những con hoẵng giữa núi đồi.
Điểm trường PaLin nằm trên một mỏm đồi, với 5 phòng học và một phòng cho giáo viên.
Ở PaLin bây giờ đã có những thầy cô giáo trẻ, những người đã bỏ lại ước mơ ở những nơi đô hội, hoa đèn gửi thanh xuân trên những triền non, nơi đó có những em nhỏ rất cần được giáo dục.
Năm 2004, thầy Hồ Văn Phùng cũng rời mái trường Sư phạm tình nguyện lên với A Vao.
Thầy Phùng kể, năm đó đường đi lại không có, thầy giáo chỉ khoác trên mình chút gạo, vài bộ quần áo, giáo án và ngược theo con suối cạn để vào với Trường A Vao.
Vào đến trường là ở lại hàng tháng, đường đi không có, muốn ra xã phải đi theo những triền đồi, bám núi, vượt vực…
Thầy Phùng kể về những ngày đầu vào với A Vao. Lần lượt những ngày tháng ấy, thầy Phùng đi gieo chữ, trồng người trên khắp những điểm trường ở A Vao.
Ngày trước, đường là một thứ gì đó rất xa xôi với các thầy giáo, bà con dân bản vì núi rừng quá trùng điệp.
Để đi từ A Vao vào đến Pa Lin, các thầy phải đi mất một ngày đường, lúc đó, điều sợ nhất không phải là đường xa mà là những con vắt xanh giữa rừng già.
Nếu không biết cách của bà con người dân tộc, máu sẽ chảy đủ 1 ngày 1 đêm mới hết. Ngày ấy nhiều thầy giáo phải để cả máu chảy lên lớp dạy học.
Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, anh chị em nuôi nhau vất vả vô chừng.
Thầy Phùng bảo, mình may mắn hơn anh chị em đôi chút khi năm 1993, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho con em dân tộc thiểu số, thầy Phùng được đi học nội trú, sau đó được học ngành sư phạm và trở thành người thầy ở A Vao.
Lên với A Vao thầy Phùng bảo cũng chẳng hết khổ, khi bà con đồng bào vất vả vô chừng, áo quần chẳng có mặc, cơm chẳng có ăn, trâu bò cũng chẳng có để mà sản xuất.
Đó là chưa nói đến việc không có đường, không điện, không nước, không lớp học. Cũng như các thầy giáo khác, thầy Phùng vận động người dân đến từng nhà giúp thầy giáo xây trường, gom học sinh đến lớp.
Kiên trì giảng dạy, vượt khó trên từng lớp học. Các thế hệ học sinh của thầy Phùng cũng như bao thầy cô khác ở A Vao, Pa Lin, A Sau... cùng góp phần xây dựng lại cuộc sống cho đồng bào mình tốt hơn.
A Vao cũng là nơi thầy Phùng gặp được người bạn đời của mình, một cô giáo mầm non.
Hai người đã đơm hoa kết trái tình yêu để rồi một bé con kháu khỉnh ra đời, thế nhưng, khí hậu không hợp vợ con thầy phải về lại Hướng Hóa.
Mình thầy lại tiếp tục gieo chữ, trồng người trên những đỉnh núi của dãy Trường Sơn.
Đến nay, thầy Phùng đã dạy đã 3 thế hệ ở Palin, A Vao, còn một thầy giáo khác ở A Sau còn dạy đến 4 thế hệ.
Một số người không chịu được vất vả đã bỏ về với đồng bằng. Có những người chỉ nghe đến A Vao là bỏ về.
Một trong những kỷ niệm không thể quên được với thầy Phùng là lần cấp cứu đồng nghiệp khi có 9 người khiêng 1 người đưa về trung tâm xã A Vao để chữa trị.
Cả đoàn người bó thầy giáo lại trong chiếc gậy, mang theo dây thừng vừa khênh, vừa kéo qua những chặng đồi, men suối để đưa về.
Thầy Phùng bảo, may nhất là chừng ấy năm đi dạy chưa có đồng nghiệp nào bị ruột thừa. Lúc ấy thì có phải rạch ra cứu thì cũng phải làm để cứu mạng nhau.
Những ngày ấy chỉ có tình cảm đồng đội, đồng chí mới có thể giúp nhau vượt qua khó khăn.
Ai mà về được vùng khá đều mừng cho họ, nhưng cũng có phần tủi nhớ.
Nhìn về quãng đường ở A Vao, thầy Phùng bảo, tất cả thoáng qua như một giấc mộng dài.
Người dân từ những ngày chẳng có áo quần để mặc, cả bản không tìm ra người biết chữ nay đã có đường, có thương lái đến, bà con dần dần có được hàng nhu yêu phẩm, đời sống nâng lên, công tác giáo dục của các thầy cô giáo cũng đỡ vất vả đôi phần.
Đời sống người dân Vân Kiều, Pa Kô đã có những đổi thay rõ rệt, học trò được học ở những ngôi trường kiên cố, thầy trò được hưởng những thành quả từ giáo dục.
Học sinh cũng đã ý thức hơn trong việc đi học, không còn cảnh “bắt cóc” học trò sau hè, sau Tết nữa.
Đất A Vao, Pa Lin đang ngày càng đổi thay, dẫu còn muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới.
Là người chứng kiến giáo dục ở xã A Vao nói chung và điểm trường Pa Lin nói riêng, thầy Phùng bảo, không có Đảng, Nhà nước thì không biết bao giờ vùng đất này mới đổi thay.
Mà ngay cả chính cuộc đời thầy Phùng, một người dân tộc thiểu số, trải qua cuộc đời đầy khổ cực với tuổi thơ nghèo khó và nghề giáo ở vùng cao còn nhiều vất vả.
Thầy Phùng bảo nói như vậy không có nghĩa là sẽ dừng lại, thầy sẽ tiếp tục con đường đã chọn, tất cả vì học sinh thân yêu.