Không có giấy tờ chứng nhận con nuôi, Hồng Loan có sở hữu được tài sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh?
Vừa qua, UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM thông báo hồ sơ nhận con nuôi giữa cố NSƯT Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan cũng như hồ sơ đăng ký khai sinh của bà Loan không còn lưu trữ. Thông báo này đến từ việc bà Võ Thị Hồng Nhung yêu cầu TAND quận Phú Nhuận thu thập tài liệu, chứng cứ hồ sơ đăng ký khai sinh và nuôi con nuôi của bà Võ Thị Hồng Loan.
Trước động thái này, dư luận tiếp tục dậy sóng về vấn đề tranh chấp nội bộ gia đình cố NSƯT Vũ Linh. Để rộng đường dư luận, Một Thế Giới đã có buổi trao đổi với luật sư Đặng Thành Trí, Công ty luật Đặng Thành dựa trên nền tảng luật pháp.
Trước đó, con gái nuôi cố NSƯT Vũ Linh là Võ Thị Hồng Loan đã được sang tên các tài sản gồm quyền sử dụng đất tại số 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM; giấy sử dụng đất với hai thửa đất 87, 88 tờ bản đồ số 8 phường Linh Đông, TP.Thủ Đức và một chiếc ô tô. Bà Võ Thị Hồng Nhung, em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh đã không đồng ý và khởi kiện. Theo đó, bà Nhung yêu cầu tòa tuyên hủy văn bản thừa kế do bà Loan lập ngày 7.4.2023 tại văn phòng công chứng Huỳnh Thị Ngọc Yến về các tài sản kể trên.
Theo luật sư Đặng Thành Trí, trường hợp việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 1.1.2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của luật Nuôi con nuôi thì được đăng ký kể từ ngày 1.1.2011 đến hết ngày 31.12.2015 tại UBND cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi. Sau thời điểm ngày 31.12.2015, nếu việc nuôi con nuôi không đăng ký cơ quan thẩm quyền thì sẽ không được pháp luật công nhận là con nuôi. Tức là con nuôi không có chứng từ hợp pháp chứng minh quan hệ với cha/mẹ nuôi, thì không có quyền thừa kế tài sản.
Trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia cho những người kế thừa theo pháp luật quy định với thứ tự sau đây. Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết nếu mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc theo pháp luật, hoặc có nhưng không có quyền thừa hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế, sẽ thuộc về nhà nước.
Trở lại vấn đề Hồng Loan đứng tên sở hữu các tài sản của cố NSƯT Vũ Linh kể trên, luật sư Đặng Thành Trí lý giải: “Nếu việc nhận nuôi con nuôi của cố NSƯT Vũ Linh với Hồng Loan không được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền như nêu trên thì không có quyền được nhận tài sản theo dạng thừa kế, trong trường hợp thừa kế được chia theo pháp luật do không có di chúc. Tuy nhiên, nếu các tài sản nêu trên lúc còn sống đã được chuyển quyền sở hữu/sử dụng cho Hồng Loan. Thì xét trong quan hệ cho và nhận, Hồng Loan hoàn toàn có quyền sở hữu hợp pháp. Trường hợp bà Hồng Nhung cho rằng Hồng Loan đã có hành động thao túng tâm lý, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép đối với NSƯT Vũ Linh, hoặc NSƯT Vũ Linh không nhận thức và làm chủ hành vi của mình trong việc cố NSƯT Vũ Linh chuyển quyền sở hữu/sử dụng các tài sản trên cho bà Hồng Loan, thì bà Hồng Nhung phải đưa ra được chứng cứ trước tòa. Nếu không, bà Hồng Loan toàn quyền sở hữu tài sản đã được sang tên”.
Như thế thì việc Hồng Loan có thực sự được sở hữu hợp pháp di sản thừa kế của NSUT Vũ Linh hay không tùy thuộc vào cơ quan điều tra làm rõ các ý đã nêu ở trên.
Theo kinh nghiệm của những người làm luật, khi một người đã quyết định sang tên chủ quyền tài sản cho một người nào đó, bản thân họ đã có cân nhắc kỹ. Các bước tiến hành thực hiện giấy tờ pháp lý cũng được thực hiện cẩn trọng. Do đó, rất hiếm khả năng xảy ra trường hợp bị “thao túng”. Với nội bộ gia đình NSƯT Vũ Linh, nếu bà Hồng Nhung muốn được chia tài sản, cách tốt nhất là thương lượng bằng tình cảm giữa các thành viên gia đình, mà cụ thể là bà Hồng Nhung và Hồng Loan. Nếu các bước này không thực hiện được, phần bất lợi sẽ thuộc về phía bà Hồng Nhung.
Vụ việc tranh chấp tài sản giữa bà Hồng Nhung và Hồng Loan, thiết nghĩ, cũng là một cơ hội tốt để mọi công dân tham khảo về luật và hiểu thêm quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mọi sự tranh cãi bằng cảm tính trên mạng xã hội, sẽ không có giá trị trước tòa án.
>>