Không có học bổng, trợ cấp trong nước thấp khiến nhiều NCS Ấn Độ lựa chọn du học

Giữa bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao nhưng không có học bổng, trợ cấp trong nước thấp khiến nhiều trường ĐH ở Ấn Độ khó tuyển nghiên cứu sinh.

Sự hấp dẫn từ các học bổng, các hỗ trợ sinh hoạt phí từ nhiều thị trường giáo dục đại học nước ngoài đã khiến một số viện nghiên cứu, chuyên gia giáo dục của Ấn Độ bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng số nghiên cứu sinh tiến sĩ của quốc gia này lựa chọn du học đang ngày càng gia tăng một cách “đột biến”. Điều này đã khiến các trường đại học trong nước trống nhiều vị trí tuyển dụng nghiên cứu sinh năm 2023.

Chia sẻ từ ông Upendra Nongthomba, Giáo sư di truyền học tại Viện Khoa học Ấn Độ cho biết, năm nay, phòng thí nghiệm của ông chỉ nhận được đơn đăng ký từ 04 người có nguyện vọng học nghiên cứu sinh, con số này ít hơn nhiều lần so với những năm trước.

Các số liệu về di cư cũng chỉ ra, phòng thí nghiệm của ông Nongthomba không phải là nơi duy nhất gặp phải sự sụt giảm trầm trọng về số lượng nghiên cứu sinh Ấn Độ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Indian Institute of Science).

Ảnh minh họa (Nguồn: Indian Institute of Science).

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đưa ra ước tính rằng, số lượng sinh viên đi du học (bao gồm cả sinh viên đại học và sau đại học) sẽ tăng từ 1,3 triệu người vào năm 2022 lên 1,5 triệu người trong năm 2023.

Theo ông Yatharth Gulati - đồng sáng lập Công ty tư vấn Giáo dục Rostrum (nơi cung cấp dịch vụ dạy kèm và tư vấn đại học cho học sinh, sinh viên Ấn Độ nộp đơn du học) cho hay, đã có sự gia tăng một cách đáng kể về số lượng người Ấn Độ có nhu cầu đi du học bậc tiến sĩ.

Cụ thể, số lượng ứng viên tiến sĩ đã liên hệ với Rostrum trong năm 2023 tăng lên 70% so với năm 2022.

Chia sẻ về lý do khiến nhiều người học lựa chọn du học bậc tiến sĩ ở nước ngoài, ông Gulati cho hay, nhiều người học đã bị chinh phục bởi triển vọng về cơ hội việc làm tốt hơn cùng khả năng được tiếp cận các cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại, các nguồn tài trợ lớn trong quá trình học nghiên cứu sinh của các cơ sở giáo dục quốc tế cũng là những yếu tố chính khiến họ bị thu hút.

Ông Noble Kurian - trợ lý giáo sư tại Đại học Chandigarh cũng đưa ra những lý do tương tự. Theo ông Kurian, ở Ấn Độ, các khoản tài trợ và học bổng vốn không có nhiều, do vậy, các nghiên cứu sinh thường rất khổ sở trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình.

Mới đây, Hiệp hội học giả nghiên cứu Ấn Độ - cơ quan bảo trợ đại diện cho nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ ở Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ của quốc gia này cần nâng học bổng cho những nghiên cứu sinh lên 60% và tăng hỗ trợ theo mức lạm phát 4 năm một lần.

Lời kêu gọi này đã được một số chính trị gia của quốc gia này ủng hộ, trong đó có ông Shashi Tharoor - thành viên của Quốc hội.

Ông Tharoor là người người từng đưa ra cảnh báo rằng sự thiếu quan tâm của chính phủ đã khiến nhiều sinh viên không muốn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu.

“Các nghiên cứu sinh xứng đáng được tăng thêm học bổng, trợ cấp, nếu không họ làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và thực hiện nghiên cứu trong bối cảnh lạm phát đang ngày càng gia tăng như hiện nay?”, ông Tharoor bày tỏ.

Trong khi đó, ông Ramgopal Rao, nguyên giám đốc của Viện Công nghệ Ấn Độ (Delhi) lại cho rằng, việc tăng học bổng lên 60% cho nghiên cứu sinh đối với quốc gia này là khó có thể đạt được.

Tuy nhiên, ông tin rằng, Chính phủ sẽ cân nhắc tăng học bổng cho các nghiên cứu sinh lên khoảng 30-40% cùng một số giải pháp như có thể tự động điều chỉnh lạm phát hàng năm, điều chỉnh khoản thu nhập của nghiên cứu sinh một cách phù hợp.

Tài liệu dịch:

https://www.insidehighered.com/news/global/2023/06/23/indian-students-seeking-phd-increasingly-travel-abroad

Tường San (theo insidehighered)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-co-hoc-bong-tro-cap-trong-nuoc-thap-khien-nhieu-ncs-an-do-lua-chon-du-hoc-post236181.gd