Không có khái niệm rõ ràng, sao áp được chế tài!
Việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, đem lại cho người lao động môi trường làm việc trong lành, dễ chịu và an toàn. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến về những biểu hiện quấy rối phi ngôn ngữ trong dự thảo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VCCI phối hợp hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Quấy rối tình dục chốn công sở là vấn nạn ai cũng biết nó tồn tại nhưng lại rất khó bài trừ, bởi hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ để có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả.
Vì vậy, việc ra đời Bộ Quy tắc là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, đem lại cho người lao động môi trường làm việc trong lành, dễ chịu và an toàn. Trong đó, các khái niệm về quấy rối tình dục và hình thức quấy rối tình dục cực kỳ quan trọng, là cơ sở cho việc tố cáo, xử lý.
Tuy nhiên, những biểu hiện quấy rối phi ngôn ngữ mà dự thảo nêu ra lại đang khiến dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Áp dụng chuẩn không phải là chuyện dễ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI vừa hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Dự thảo được bổ sung, cập nhật dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ban hành năm 2015. Dự thảo đã chỉ ra ba hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể.
Cụ thể, quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất gồm: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ; những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục.
Ngoài ra, dự thảo cũng loại trừ các hành vi bị coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, như: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận, hoặc phù hợp về văn hóa, đạo đức xã hội; hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em), được bên kia tiếp nhận hay đáp ứng lại; những hành vi quấy rối tình dục nhưng không diễn ra tại nơi làm việc và không chịu điều chỉnh bởi pháp luật lao động mà chịu điều chỉnh bởi pháp luật khác.
So với Bộ Quy tắc cũ, dự thảo bổ sung thêm các hành vi quấy rối tình dục nhưng không diễn ra tại nơi làm việc thì không được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động mà chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, dạng trao đổi như gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích; hoặc không nhằm trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc khó chịu và bất an; làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, hạn chế sự bình đẳng giới; gây ảnh hưởng tâm lý, sự lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc giảm sút. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và bị nghiêm cấm tại môi trường làm việc. Do đó, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần được ngăn chặn, phòng ngừa thông qua các quy định, biện pháp cụ thể.
Năm 2015, lần đầu tiên các cơ quan quản lý đưa ra Bộ Quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khuyến nghị áp dụng cho toàn thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để Bộ Quy tắc đi vào thực tiễn là doanh nghiệp không sẵn lòng thực hiện khi không phải văn bản pháp luật, không có chế tài xử phạt.
Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp nên thực hiện bởi chỉ có lợi mà không mất gì, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều lao động nữ.
Trong đó, cách diễn giải hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ cơ thể gồm nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, phô bày tài liệu mang tính phô dâm, gửi ảnh hoặc đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục... được nhiều người chú ý và bàn luận.
Trong bối cảnh phong trào #MeToo phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước, đặc biệt là châu Á, Bộ Quy tắc vừa được hoàn thiện tại Việt Nam được xem là cần thiết, kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức về quấy rối, tấn công tình dục, đặc biệt ở nơi công sở.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đệm cơ bản trong quá trình hướng đến môi trường làm việc lành mạnh cho tất cả nhân công. Trên thực tế, việc thực thi các quy định này có thể gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, đối với những quy định về quấy rối bằng lời nói và quấy rối phi ngôn ngữ, việc giải thích sao cho các cá nhân, tổ chức, công ty có thể hiểu đúng và áp dụng chuẩn không phải là chuyện dễ.
Không phải chuyện tầm phào
Dù còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, thì dưới góc nhìn của các chuyên gia, họ vẫn đánh giá rằng việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử quấy rối tình dục nơi làm việc. Cần thiết bởi theo bà Hoàng Tú Anh - Trưởng Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thì: “Các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục rất đa dạng, rất dễ bị nhìn nhận không đúng. Có những hành vi bị coi là bình thường, nghĩ là đùa cợt cho nên theo tôi cần có những quy định cụ thể thay vì các quy tắc ứng xử ở nơi làm việc.
Thực tế các hành vi xâm hại tình dục trong Luật hình sự chỉ có mấy điều thôi, nhưng trong Quyết định số 9 của Hội đồng thẩm phán phải ban hành cả list vài chục đầu mục về các hành vi không đúng mực về tình dục thì mới xử được.
Nói vậy để thấy câu chuyện xử lý vấn đề quấy rối tình dục không hề đơn giản và được nhìn nhận khác nhau bởi những người khác nhau.
Việt Nam đang tham gia nhiều vào quá trình hợp tác quốc tế và ký kết nhiều hiệp định kinh tế quốc tế, việc đảm bảo quyền con người, quyền người lao động tại nơi làm việc là điều kiện tiên quyết để hội nhập. Nhiều khi chính nạn nhân cũng không nhận ra được rằng, chính họ cũng đang bị quấy rối”.
Còn TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết bà rất vui mừng vì Bộ Quy tắc lần này liệt kê chi tiết các hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Việc đưa ra các định nghĩa về quấy rối tình dục càng chi tiết thì càng dễ nhận diện, dễ xử lý khi có vấn đề xảy ra. Quy định càng chi tiết càng chứng tỏ những người làm luật muốn luật thực sự là công cụ hiệu quả để phòng ngừa và xử lý những hành vi sai trái. Việc các đại biểu quốc hội đưa ra nhiều ví dụ về hành vi bạo lực gia đình thì càng chứng tỏ họ quan tâm và có trách nhiệm đối với vấn đề này.
“Mấy năm trước vụ một cán bộ nữ bị một cán bộ nam tấn công tình dục ngay tại công sở mà cơ quan lúng túng mãi không biết xử lý thế nào. Đó là vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết cho dù biết rõ kẻ tấn công tình dục”, bà Hồng nói.
Trong Bộ Quy tắc nêu trên có nhắc đến các chi tiết nháy mắt, gợi tình… là hành vi quấy rối tình dục. Vấn đề là nhận diện, phân biệt đâu là nhìn bình thường, đâu là nhìn có ẩn ý, TS. Hồng cho rằng phụ nữ bình thường chắc chắn sẽ phân biệt được cái nhìn thân thiện, ngưỡng mộ với cái nhìn dâm dục, đểu cáng. Còn đàn ông, ai không sôi máu khi thấy một gã cứ nhìn hau háu vào ngực vợ/người yêu của mình? Chị em muốn được người ta tôn trọng, ngưỡng mộ (nếu nghĩ mình đẹp) hay muốn bị coi như đồ vật? Đàn ông muốn vợ/người yêu/con gái của mình bị xúc phạm bởi kẻ biến thái hay muốn họ được an toàn?
“Nếu muốn phụ nữ được an toàn, được tôn trọng thì nên ủng hộ việc ban hành các quy định điều chỉnh hành vi như bộ quy tắc ứng xử này. Đó không phải là việc tầm phào đâu”, TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-co-khai-niem-ro-rang-sao-ap-duoc-che-tai-post197518.html