Không có nghị định nào hướng dẫn cái sai về vượt số lượng cấp phó
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lưu ý, số lượng cấp phó phải thực hiện theo đúng quy định, không được vượt quá nếu không thực hiện sắp xếp bộ máy.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức hôm nay (14/10), hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác cán bộ được đặt ra.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà băn khoăn về Nghị định 107 mới đây quy định các đơn vị sau khi sáp nhập cơ quan, tổ chức có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định thì có lộ trình 3 năm để tiến hành sắp xếp.Tuy nhiên, thực tế có các đơn vị không sắp xếp mà số lượng cấp phó nhiều hơn quy định lại không có điều khoản chuyển tiếp.
Vì vậy, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp của Nghị định để địa phương có thời gian bố trí sắp xếp cho phù hợp.
Trả lời về việc này, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lượng khẳng định, "không có điều khoản chuyển tiếp đối với đơn vị không sắp xếp lại tổ chức". Các đơn vị giữ ổn định, không sắp xếp lại mà thực hiện không đúng số lượng cấp phó theo quy định thì phải tự sắp xếp.
“Không có nghị định nào hướng dẫn cái sai của chúng ta cả”, ông Nguyễn Văn Lượng lưu ý và đề nghị các địa phương căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, số lượng cấp phó thực hiện theo đúng quy định trong Nghị định của Chính phủ. Những nơi nào không thực hiện sắp xếp mà vượt quá số lượng cấp phó thì phải kiên quyết thực hiện đảm bảo đúng số lượng theo quy định.
Liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lưu ý các địa phương thực hiện đúng quy định của Luật. Khi chuyển viên chức từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác phải tuân thủ Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn.
Cụ thể là thực hiện theo hướng, khi viên chức có nguyện vọng chuyển đi nơi khác mà được nơi đến đồng ý tiếp nhận thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc ở tại đơn vị đó, sang đơn vị mới ký lại hợp đồng.
“Nhiều khi tôi theo dõi thấy có đơn vị chuyển viên chức chỉ làm quyết định tiếp nhận, điều động là không đúng. Nếu chúng ta rờ đến, tôi nghĩ kể cả Bộ Nội vụ cũng có trường hợp làm không đúng”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Thứ trưởng Nội vụ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai luật, nghị định có phát sinh các vướng mắc, những vấn đề chưa được quy định, thì kịp thời gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.
Các đơn vị có liên quan của Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để giải đáp, thông tin kịp thời, tiếp tục nắm bắt các tình huống trong quá trình thực hiện các luật này, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức giao Chính phủ quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 1/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.