Không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh.

XEM VIDEO:

Ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông; lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì phiên họp toàn thể nhận diện bức tranh kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì phiên họp toàn thể nhận diện bức tranh kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam.

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS Đặng Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, sự phát triển của báo chí truyền thông trong bối cảnh mới cũng là một trong những chủ đề chính yếu để trường xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối với cộng đồng báo chí truyền thông trong và ngoài nước.

Đó cũng là định hướng để tạo dựng nội dung hội thảo hôm nay về vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016.

Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động báo chí phát triển, để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định, theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Theo bà Đặng Thu Hương, “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” và những sự kiện thường niên sẽ cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay.

Các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker yêu thích và thường trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw: "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống".

“Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc.

Ông Nguyễn Huy Dũng dẫn số liệu tính đến hết năm 2023 cho thấy, đối với báo và tạp chí tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%.

Còn đối với phát thanh, truyền hình tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.

Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài PTTH giảm 23% so với năm 2022.

Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày; có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ thực tế, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%.

Tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhân ngày 21/6.

Tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhân ngày 21/6.

"Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng.

Ông Nguyễn Huy Dũng cũng thông tin thêm, hiện các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định. Chẳng hạn như vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Tổng Biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá cùng các đại biểu dự hội thảo

Tổng Biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá cùng các đại biểu dự hội thảo

Trong khi đó, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, thu phí nội dung trên báo chí điện tử hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc cafe (Tạp chí Lao động và Công đoàn…).

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.

Kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”.

Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

“Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế”, ông Dũng lưu ý.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khái quát bức tranh kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống đến kỷ nguyên số.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khái quát bức tranh kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống đến kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí tại hội thảo sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền với những kiến giải nhằm tháo gỡ các “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ các cơ quan và các đại biểu có mặt trong hội thảo hôm nay. Chúng tôi sẽ xem xét, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói.

Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên mang tên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Báo VietNamNet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức.

“Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.

Cụ thể, phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các phiên thảo luận sẽ trao đổi về những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ tập trung phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới; sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-co-su-ho-tro-dac-luc-cua-kinh-te-khong-the-co-mot-co-quan-bao-chi-manh-2291425.html