Không có việc buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp chênh lệch thu chi

Liên quan câu chuyện thu chi của Trường đại học Tôn Đức Thắng, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) khẳng định với báo chí: 'Không có việc Tổng LĐLĐ VN buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp về TLĐ đến 30% chênh lệch thu chi'.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua có dư luận cho rằng Tổng Liên đoàn buộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) phải trích nộp về Tổng Liên đoàn (TLĐ) đến 30% chênh lệch thu chi. Vậy thực hư của vấn đề này là như thế nào?

Ông Phan Văn Anh: Hoàn toàn không có việc Tổng LĐLĐ VN buộc TDTU phải trích nộp về TLĐ đến 30% chênh lệch thu chi như dư luận nêu.

Vào năm 2017, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của TLĐ tiến hành kiểm tra tại TDTU.

Khi đó, ban đầu nhà trường phản đối, không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó Đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật, Trường mới đồng ý cho kiểm tra nhưng khi có Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Trường tiếp tục phản đối cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường.

Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ VN hằng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ VN theo quy định”. Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ VN thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Kiến nghị này của Đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN phê chuẩn và triển khai.

Vì lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN cho rằng ngoài quy định của Tổng LĐLĐ VN, Trường còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể khẳng định, đến giờ phút này, Tổng LĐLĐ VN chưa thu của Đại học Tôn Đức Thắng một đồng nào.

Phóng viên: Từ một trường đại học khi thành lập với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nay trường đã lớn mạnh toàn diện với tổng giá trị tài sản 3.000 tỷ đồng, quy mô 26.000 sinh viên, học viên, vậy Tổng LĐLĐ VN đánh giá như thế nào về nỗ lực của nhà trường?

Ông Phan Văn Anh: Tổng LĐLĐ VN và cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ thầy và trò nhà trường, trong đó có cả đóng góp của đội ngũ lãnh đạo LĐLĐ TP Hồ Chí Minh và Tổng LĐLĐ VN (tham gia làm Chủ tịch Hội đồng trường và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Trường).

Trong quá trình đó, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh trước đây và Tổng LĐLĐ VN sau này (với tư cách là đơn vị quản lý Trường) đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho Trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trường có được cơ sở vật chất như ngày hôm nay, không thể không nói đến sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng LĐLĐ VN và LĐLĐ TP Hồ Chí Minh và công sức của cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước. Từ quả trứng nở thành con gà vàng, đó là công sức chung của nhiều người, nhiều thế hệ.

Phóng viên: Có ý kiến lo ngại, từ câu chuyện của TDTU với cơ quan chủ quản là TLĐ, ước mơ tự chủ của nhiều trường đại học khó trở thành hiện thực?

Ông Phan Văn Anh: Tuyệt nhiên không, mà lẽ ra ta phải suy nghĩ ngược lại. Từ mô hình thành công của TDTU với cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ VN đã là sự tham khảo và kinh nghiệm quan trọng để Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục đại học và sắp triển khai đại trà.

Tổng LĐLĐ VN đã tạo mọi điều kiện để Trường được thực hiện tự chủ. Tự chủ trước hết và chủ yếu là tự chủ trong mối quan hệ với cơ quan chủ quản.

Kết quả Trường đạt được như thời gian qua là bằng chứng sinh động khẳng định Tổng LĐLĐ VN đã tạo điều kiện hết sức để Trường được tự chủ.

Lẽ ra phải coi Tổng LĐLĐ VN là điển hình tốt về việc cơ quan chủ quản tạo điều kiện để trường đại học trực thuộc được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu có đơn vị nào đến Tổng LĐLĐ VN tìm hiểu kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ.

Thời gian tới, khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc tạo điều kiện để Trường tự chủ.

Tất nhiên, tự chủ phải trong khuôn khổ pháp luật và phải chịu trách nhiệm giải trình theo quy định. Trường, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật, còn phải thực hiện các quy định của Đảng và Tổng LĐLĐ VN, nhất là về công tác cán bộ.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/40482602-khong-co-viec-buoc-dai-hoc-ton-duc-thang-phai-trich-nop-chenh-lech-thu-chi.html