'Không có việc gì khó', khát vọng thanh niên thời đại mới

Với mỗi người trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại, mà còn là ngọn đuốc soi đường, là biểu tượng sống động của lý tưởng sống đẹp, cống hiến và phụng sự. Hình ảnh Người giản dị mà vĩ đại, khiêm nhường mà kiên cường đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, hun đúc tinh thần và khát vọng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trên hành trình dựng xây đất nước.

Từ một cậu bé dân tộc Nùng miền sơn cước, sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Lạng Sơn, anh Lý Viết Trường (Nghiên cứu viên, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã từng bước vươn lên bằng tri thức và ý chí bền bỉ. Giữa “chồng sách dày” của hôm nay là ký ức về những trang sách cũ, chiếc xe đạp cọc cạch và niềm tin sắt đá vào sức mạnh của tri thức. Anh đi lên từ gian khó, nhưng chưa bao giờ quên điều cốt lõi mà mình học được từ Bác Hồ: Học để phụng sự, học để làm người.

Anh Lý Viết Trường tự hào khi được nhận Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Anh Lý Viết Trường tự hào khi được nhận Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Chàng thanh niên trẻ nhớ lại những năm tháng học cấp 3. Hàng ngày đạp xe gần 10 km, vượt qua con đèo “Kéo Phầy” (Dốc lửa), mùa hè nắng nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh “cắt da cắt thịt”, nhưng đều đặn có mặt tại lớp trước 7 giờ 15 phút mỗi sáng, chưa một lần đi học muộn. Đèo Kéo Phầy năm ấy vẫn còn hun hút gió, nhưng trong trái tim của chàng trai dân tộc Nùng nhỏ bé ngày nào, đó là con đường nâng bước anh đến tương lai. Giờ đây, khi đã là một nhà nghiên cứu trẻ tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học quốc gia Hà Nội), anh Lý Viết Trường vẫn giữ cho mình trái tim nguyên vẹn của người con miền núi cần mẫn, khiêm nhường, say mê tri thức, luôn hướng về cội nguồn.

Theo anh Lý Viết Trường, đó là những tác phong, phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh anh được đọc, tìm hiểu từ những ngày thơ bé. “Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cho tất cả những người Việt Nam yêu nước, trong đó có tôi. Tôi học được từ Bác rất nhiều, đó là lòng yêu nước, ‘thương người như thể thương thân’; tinh thần học tập suốt đời; tính kỷ luật, kiên trì, không ngại khó khăn gian khổ; thái độ khiêm tốn, tự giác… Tôi luôn quan niệm học tập là không ngừng nghỉ, học từ Hồ Chủ tịch, thầy cô, bạn bè, người thân; học từ sách vở và những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Tôi có sở thích đọc sách, vậy nên hiện nay tôi sở hữu hơn 1.000 cuốn sách nhân học, dân tộc học, văn hóa học và đặc biệt là văn hóa các dân tộc Nùng, Tày”, anh Lý Viết Trường chia sẻ.

Anh Lý Viết Trường vinh dự chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết và các đại biểu nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Chiều)

Anh Lý Viết Trường vinh dự chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết và các đại biểu nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Chiều)

Hiện tại, với tư cách là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung Quốc và từ năm 2019 là nghiên cứu sinh tiến sĩ, anh Lý Viết Trường luôn nhận thức rõ mình là người Việt Nam, trong mọi hoàn cảnh luôn ý thức: Giá trị quốc gia, lợi ích quốc gia là quan trọng và thiêng liêng nhất.

Trong học tập, anh Lý Viết Trường luôn phấn đấu để làm rạng danh người Việt Nam, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Trong cuộc sống trước khi làm bất kỳ việc gì, từ nói năng, ăn uống, anh luôn giữ gìn hình ảnh văn minh của người Việt. Anh luôn giữ thái độ khiêm tốn với bạn bè, thầy cô; tự giác trong học tập và công việc. Vì vậy, anh luôn được thầy cô giáo và bạn bè Trung Quốc quý mến và nể trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp và trí tuệ Việt Nam ra trường quốc tế.

Là một trong những đại biểu được vinh danh Giải thưởng Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII năm 2025, anh Lý Viết Trường cảm thấy không khỏi vinh dự, tự hào. Niềm vinh dự này càng lớn lao hơn khi anh là một người dân tộc thiểu số và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học, lĩnh vực gắn liền với việc thấu hiểu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các tộc người Việt Nam.

Anh Lý Viết Trường phát biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn đến nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ (Ảnh: Nguyễn Chiều)

Anh Lý Viết Trường phát biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn đến nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ (Ảnh: Nguyễn Chiều)

“Được đứng trong hàng ngũ những thanh niên tiêu biểu toàn quốc là niềm tự hào không chỉ của cá nhân tôi, mà còn là vinh dự chung của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi tôi sinh ra và trưởng thành. Tôi ý thức sâu sắc rằng đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực cá nhân, mà còn là trách nhiệm lớn lao: Trách nhiệm tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lan tỏa tinh thần của Bác tới cộng đồng người dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên nơi vùng cao, vùng xa. Đồng thời tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu dân tộc học một cách nghiêm túc, sâu sắc và có trách nhiệm, để những giá trị văn hóa của các dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy trong thời đại hội nhập.

Tôi cũng luôn biết ơn sâu sắc đối với những người thầy, cô giáo, nhà trường và các thế hệ đi trước, những người đã âm thầm bồi đắp tri thức và lý tưởng sống cho tôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ không ngừng rèn luyện đạo đức, trau dồi chuyên môn, tiếp tục thực hiện các công trình, dự án gắn với thực tiễn cộng đồng, để xứng đáng là con cháu Bác Hồ”, anh Lý Viết Trường trải lòng.

Đại biểu thanh niên Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam, Tổng Chủ nhiệm Nhóm từ thiện Fly To Sky.

Đại biểu thanh niên Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam, Tổng Chủ nhiệm Nhóm từ thiện Fly To Sky.

Lần đầu tiên tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào năm 2020, thời khắc đánh dấu tuổi 18, cột mốc trưởng thành của cuộc đời Lê Văn Phúc mang trong mình sự háo hức xen lẫn xúc động. Lần thứ hai được tham dự và vinh danh tại Đại hội, chàng trai chàng thanh niên trẻ không giấu nổi niềm biết ơn sâu sắc và niềm tự hào lớn lao. Bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và tập thể Fly To Sky (nhóm thiện nguyện do anh sáng lập) đã được ghi nhận.

Điều khiến anh Lê Văn Phúc cảm thấy tự hào hơn cả, không nằm ở những lời ca ngợi hay danh hiệu, mà chính là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với những người trẻ cùng chung lý tưởng, cùng đang cống hiến thầm lặng cho đất nước. Những giá trị tốt đẹp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm cho thế hệ trẻ “sống dậy” mạnh mẽ, lan tỏa, thôi thúc anh mang tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng của Fly To Sky đến gần hơn với mọi người.

“Tấm giấy khen chỉ là giấy và mực, theo thời gian sẽ phai mờ. Nhưng ý nghĩa mà nó mang lại thì còn mãi” anh Lê Văn Phúc tâm sự. Trong lòng chàng thanh niên trẻ, đó không chỉ là một sự ghi nhận, mà là lời khẳng định cho con đường mà anh và các bạn trẻ trong Fly To Sky đã và đang lựa chọn. Một hành trình đúng đắn, bắt đầu từ những điều bình dị nhất. Chàng trai trẻ vẫn thường chia sẻ với các bạn trẻ rằng: “Cống hiến cho cộng đồng không nhất thiết phải là điều gì thật to lớn hay vĩ đại, mà đơn giản là những hành động tử tế mỗi ngày. Và với tôi, hành trình đó mang tên tình nguyện”.

Anh Lê Văn Phúc chụp ảnh cùng ca sĩ Hòa Minzy tại Đại hội.

Anh Lê Văn Phúc chụp ảnh cùng ca sĩ Hòa Minzy tại Đại hội.

Anh Lê Văn Phúc không đặt mục tiêu cho các danh hiệu hay giải thưởng. Nhưng khi những vinh dự ấy đến, nhất là lần thứ hai, anh coi đó là món quà bất ngờ, một sự công nhận đầy xúc động. “Mỗi lần được vinh danh là một lần tôi thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng lớn hơn. Tôi là một người rất nhỏ bé, nhưng lại may mắn nhận được nhiều tình cảm, sự yêu quý từ mọi người. Chính điều đó khiến tôi không được phép dừng lại.

Mỗi lần vinh danh không phải là đích đến, mà là một cột mốc để tôi và đội nhóm tiếp tục cố gắng nhiều hơn, bền bỉ hơn, lan tỏa sâu rộng hơn tinh thần vì cộng đồng… Điều lớn nhất tôi học được từ Bác Hồ, đó là tinh thần sống vì dân, vì nước, vì đồng bào. Không chỉ tôi mà bất kỳ ai, đều sẽ cảm nhận được điều đó trong từng câu nói, việc làm, di huấn của Bác. Từ tấm gương sáng của Bác, tôi cũng học được sự giản dị, lòng khiêm nhường và việc luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân”, anh Lê Văn Phúc tâm huyết nói.

Trên mạng xã hội, chàng trai gen Z cũng thường nhắn gửi: “Mỗi ngày tôi chỉ mong làm một việc tốt”. Tinh thần đó cũng trở thành kim chỉ nam cho Fly To Sky, thể hiện rõ qua cuộc thi Chia sẻ câu chuyện làm việc tốt do chàng trai trẻ khởi xướng.

“Hàng năm tại nhóm Fly To Sky, chúng tôi cũng triển khai cuộc thi “Chia sẻ câu chuyện làm việc tốt”, ban đầu hoạt động nội bộ, sau đó tôi mở rộng để cộng đồng cùng tham gia. Những câu chuyện chúng tôi nhận được không phải là những áng văn chương để trao giải, mà là những mẩu đời thật giản dị, chân thành. Thông qua những điều nhỏ bé ấy, chúng tôi muốn khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần thiện nguyện, lan tỏa cảm hứng sống đẹp cho thế hệ trẻ”, anh Lê Văn Phúc chia sẻ.

Đại biểu thanh niên Phạm Thị Thu Huyền, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu thanh niên Phạm Thị Thu Huyền, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Được tham dự và vinh danh tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, với chị Phạm Thị Thu Huyền, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là một cái niềm vinh dự to lớn:

“Tôi rất xúc động và tự hào khi những nỗ lực trong suốt thời gian qua được ghi nhận. Tôi cũng ý thức đây là một trọng trách, bởi một danh hiệu không chỉ là một sự công nhận, mà còn là lời nhắc nhở để bản thân tôi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và sống xứng đáng hơn nữa với niềm tin của tổ chức, cũng như cộng đồng. Đại hội là dịp để tôi giao lưu, học hỏi từ các bạn thanh niên tiêu biểu trên cả nước, đồng thời là nguồn động lực lớn lao để tôi tiếp tục học tập và làm theo lời Bác bằng những hành động thiết thực, cụ thể hơn trong tương lai”, chị Phạm Thị Thu Huyền bày tỏ.

Là một người trẻ trong thời đại mới, chị Phạm Thị Thu Huyền luôn xem tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ là kim chỉ nam cho hành trình rèn luyện và cống hiến của bản thân. Việc học tập và làm theo lời Bác không chỉ là khẩu hiệu, mà là một lối sống được thấm nhuần qua từng hành động nhỏ, từng lựa chọn mỗi ngày. Vì vậy, chị Phạm Thị Thu Huyền không ngừng trau dồi những phẩm chất, lối sống tốt đẹp của Bác Hồ.

Chị Phạm Thị Thu Huyền chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025.

Chị Phạm Thị Thu Huyền chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025.

“Điều tôi học được sâu sắc nhất từ Bác, đó chính là một tinh thần tự học, khiêm tốn và cống hiến không ngừng nghỉ vì cộng đồng. Tôi luôn khắc ghi lời dạy: ‘Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền’. Câu nói ấy là điểm tựa để tôi vượt qua những thử thách trong học tập, công việc cũng như các hoạt động tình nguyện ở địa phương”, chị Thu Huyền chia sẻ.

Không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sống, chị Thu Huyền luôn chủ động tham gia sôi nổi các hoạt động. Ở mỗi nơi chị đến, mọi người luôn yêu mến, trân quý. “Tôi luôn nỗ lực, không ngừng học tập để có thể nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sống của mình; luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, Hội tại địa phương. Bên cạnh đó là rèn luyện tác phong giản dị, gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với mọi người xung quanh học theo phong cách ‘gần dân, trọng dân’ của Bác Hồ”, chị Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ, giọng đầy nâng niu, trân trọng.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-co-viec-gi-kho-khat-vong-thanh-nien-thoi-dai-moi-20250517090227215.htm