Không có việc vỡ đê tại Phú Thọ, Quảng Ninh
Bộ Công An đã có chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lan truyền thông tin vỡ đê các địa phương.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT mới đây đã thông tin khẳng định không có việc vỡ đê tại Phú Thọ và Quảng Ninh.
Đơn vị này cho biết, trên địa bàn huyện Yên Lập, Phú Thọ không có đê. Còn công trình tại Tiên Yên, Quảng Ninh không phải là hồ chứa. Theo Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết đây chỉ là đập đất người dân tự dựng để chứa nước tưới cho khoảng 1ha sản xuất nông nghiệp. Hiện nay nước đang rút dần.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh hiện nay có rất nhiều thông tin về tình hình mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở sau bão. Đề nghị người dân theo dõi thông tin có chọn lọc từ các kênh thông tin chính thống.
Bộ Công An đã có chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão, mưa lũ.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng cho biết tính đến nay đã có 59 người thiệt mạng trong đợt thiên tai này.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương do thiên tai.
Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở.
Khẩn trương thu dọn cây đổ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tập trung khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,... để sớm cung cấp điện phục vụ tiêu úng, sinh hoạt và thông tin liên lạc của người dân.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc khi vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...