Không còn gia đình người có công sống trong nhà tạm

HNN - Trong hành trình tri ân những người có công với cách mạng, việc chăm lo về nhà ở luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân thành phố Huế đặc biệt quan tâm. Đến cuối tháng 6/2025, thành phố Huế đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình người có công, xóa đi nỗi lo nhà tạm cho nhóm đối tượng đặc biệt này.

 Ngôi nhà của bà Lê Thị Đắc, thôn Thủy Yên Thôn, xã Chân Mây - Lăng Cô trở nên khang trang, sáng đẹp hơn nhờ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở

Ngôi nhà của bà Lê Thị Đắc, thôn Thủy Yên Thôn, xã Chân Mây - Lăng Cô trở nên khang trang, sáng đẹp hơn nhờ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở

Niềm vui từ mái nhà tình nghĩa

Những ngày tháng 7 tri ân đang về, căn nhà của ông Bùi Thế Túc ở thôn Phước Hưng (xã Lộc Thủy - nay là xã Chân Mây - Lăng Cô) vừa mới được sửa sang xong, trở nên ấm cúng, gọn gàng hơn. Là thân nhân người có công, ông Túc xúc động chia sẻ: "Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, con cháu thêm vào, gia đình đã sửa lại mái nhà, thay đòn tay, rui mè… Giờ mưa nắng không còn lo dột, cả gia đình yên tâm sinh sống".

Tại thôn Thủy Yên Thôn cùng xã Chân Mây - Lăng Cô, bà Lê Thị Đắc ngoài 70 tuổi bày tỏ niềm vui khi ngôi nhà vốn xuống cấp, mái ngói vỡ, đòn tay mục nát đã được sửa chữa khang trang. "Tôi nhận hỗ trợ 40 triệu đồng, con cháu góp thêm thành 60 triệu đồng. Sau Tết bắt tay sửa, đến cuối tháng 4 là hoàn tất, kịp mừng Ngày Giải phóng miền Nam", bà Đắc vui vẻ kể.

Không riêng vùng ven, ở nội thành Huế, nhiều gia đình người có công, thân nhân người có công sống trong kiệt sâu, hẻm nhỏ cũng đã có điều kiện sửa sang lại căn nhà vốn chật hẹp, xuống cấp nhờ "Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công" của Nhà nước. Ông Hồ Trọng Thiên ở phường Đông Ba (cũ), nay là phường Phú Xuân chia sẻ, ông là thương, bệnh binh nặng, gia cảnh khó khăn, để sửa lại căn nhà vững chắc nếu "tự thân vận động" sẽ không biết lúc nào thành hiện thực. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng sửa lại nhà ở, giờ vợ chồng ông Thiên đã yên tâm hơn.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tại thành phố Huế được triển khai bài bản, đồng bộ và quyết liệt từ chủ trương đến hành động. Đặc biệt, chương trình được cụ thể hóa bằng Quyết định số 400 ngày 17/2/2025 và được điều chỉnh bằng Quyết định số 2023 ngày 30/6/2025 của UBND thành phố nhằm đảm bảo bám sát nhu cầu thực tế, đúng quy định của Nghị định 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Qua rà soát, có 503 hộ gia đình người có công đã được phê duyệt hỗ trợ nhà ở. Trong đó, có 210 căn nhà xây mới và 293 căn được sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 21,3 tỷ đồng. Đáng trân quý, gần 21 tỷ đồng được huy động từ chính các gia đình, người thân, dòng họ và cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần "tự lực, tự cường" của người dân và truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn.

Nhiều địa phương đã nỗ lực vận động thêm kinh phí để gia đình người có công có thể hoàn thiện căn nhà khang trang, đẹp hơn mong đợi. Như ở xã Chân Mây - Lăng Cô, mỗi hộ được hỗ trợ ngoài 30 triệu đồng từ ngân sách còn được Ủy ban MTTQVN xã vận động thêm 10 triệu đồng, giúp người dân có điều kiện cải tạo, sửa chữa nhà cửa.

Tri ân bằng hành động

Sự lan tỏa từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn thành phố đã giúp 6.778 hộ nghèo, cận nghèo, chính sách được hỗ trợ xóa nhà tạm giai đoạn 2021 - 2024, với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Riêng năm 2025, thành phố Huế đặt mục tiêu hoàn thành 1.170 căn nhà, trong đó, gần 50% dành cho người có công. Đây là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và toàn thể Nhân dân thành phố dành cho người có công, thân nhân người có công có được ngôi nhà tình nghĩa kiên cố.

Chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau" được triển khai chặt chẽ: Từ khâu rà soát, bình xét dân chủ tại cơ sở, niêm yết công khai, lấy ý kiến cộng đồng đến hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu. Sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền, giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự góp sức từ cộng đồng đã làm nên những "mái ấm nghĩa tình".

Ông Bùi Xuân Hùng, làm Bí thư chi bộ thôn ở xã Lộc Thủy (cũ) mấy chục năm nay xác nhận, chính quyền và người dân địa phương rất quan tâm đến những người có công và thân nhân của họ. "Khi biết nhà ai được hỗ trợ là bà con xúm lại phụ ngày công, có người gom góp thêm tiền của, vật liệu xây dựng. Nhờ vậy, những ngôi nhà mới hoàn thành sớm, có khi còn đẹp hơn cả dự tính ban đầu", ông Hùng nói.

Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hơn 500 ngôi nhà nghĩa tình ở Huế được xây mới, sửa chữa không chỉ là nơi để người có công an cư mà còn là biểu tượng đẹp của đạo lý đền ơn đáp nghĩa, sự chung tay, đồng lòng giữa Nhà nước và Nhân dân. Việc hoàn thành 503 ngôi nhà cho người có công trước giữa tháng 7 là thành quả rất đáng ghi nhận, mở ra hành trình tri ân mới, thiết thực và nhân văn hơn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/khong-con-gia-dinh-nguoi-co-cong-song-trong-nha-tam-155944.html