Không 'dàn đều' thanh tra ngành, lĩnh vực

Để đáp ứng đòi hỏi thực tế công tác thanh tra tại các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, tiêu chuẩn mang tính định tính 'theo yêu cầu quản lý' có thể đáp ứng đề nghị 'không dàn đều' khi thành lập cơ quan thanh tra này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hay không?

Hoạt động khó khăn vì không đủ quyền hạn

Đây là một thực tế được Chính phủ chỉ ra tại Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) về công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện tại một số tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn. Nhu cầu lớn, nhưng Luật Thanh tra hiện hành quy định một bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế mà không trái với quy định pháp luật, tại một số tổng cục, cục này đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Tuy nhiên, do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Bởi vậy, tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn về việc thành lập. Theo đó, thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh thành lập thanh tra thuộc tổng cục, cục thuộc bộ, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ hiện tượng nhiều tổng cục, cục cùng với các cơ quan nhà nước khác trước đây được giao chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không cần thiết phải có tổ chức thanh tra, vì hoạt động của họ thực chất chỉ là kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý nhà nước. Theo Tờ trình của Chính phủ, hoạt động sẽ vẫn được các cơ quan nêu trên thực hiện mà không cần thiết phải giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành như hiện nay để tránh lẫn lộn giữa thanh tra mang tính chuyên nghiệp của cơ quan thanh tra nhà nước với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.4.2022
Ảnh: Lâm Hiển

Đối với lo ngại việc thành lập tổ chức mới sẽ làm tăng biên chế, phát sinh chi phí, nguồn lực triển khai, Tờ trình dự án Luật khẳng định, việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ về cơ bản không làm phát sinh tổ chức cũng như biên chế. Bởi, trên thực tế, một số tổng cục, cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do Luật Thanh tra hiện hành quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một số nhiệm vụ khác (pháp chế, kiểm tra…). Việc có thêm thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ cũng không gây chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục vì dự thảo Luật quy định mỗi bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh tra trong bộ, trình bộ trưởng phê duyệt (Điều 45) và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo (Điều 52).

Tương tự như cấp Trung ương, dự thảo Luật cũng quy định việc thành lập thanh tra sở do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của các luật chuyên ngành về tổ chức, hoạt động cơ quan thanh tra; yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực và tổ chức, bộ máy, biên chế được giao cho địa phương. UBND cấp tỉnh phải thực hiện việc tổ chức, sắp xếp thanh tra sở theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 107/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sẽ rà soát các tổng cục, cục được giao thanh tra chuyên ngành

Có thể thấy, việc sửa đổi quy định của Luật Thanh tra hiện hành nhằm thể hiện đầy đủ, chính xác yêu cầu thực tế về việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số tổng cục, cục thuộc Bộ. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc tổng cục, cục.

Và, với quy định tại dự thảo Luật, các tổng cục, cục hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ được rà soát, cơ quan nào thực sự cần thiết và có khả năng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mới được thành lập cơ quan thanh tra. Ở các cơ quan chỉ cần thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành thì không tiếp tục duy trì chức năng thanh tra chuyên ngành. Như vậy, sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra như quan điểm xây dựng Luật đã đề ra.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, khi xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận “việc thành lập các cơ quan thanh tra này phải bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật về tiêu chí, nguyên tắc thành lập các cơ quan thanh tra này”. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình Quốc hội chưa tiếp thu đầy đủ yêu cầu nêu trên, chưa bổ sung làm rõ các tiêu chí thành lập, lại mở rộng thêm trường hợp thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ “theo yêu cầu quản lý”. “Quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ” là một đề nghị của Ủy ban Pháp luật, để vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, tại dự thảo Luật cần có quy định để chỉ rõ chỉ có một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại bộ. Khi đó, nếu trường hợp tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực do tổng cục, cục đó phụ trách. Thanh tra bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà ở tổng cục, cục không có cơ quan thanh tra chuyên ngành, giúp bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” đã được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tương tự, việc thành lập thanh tra cấp sở, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đã đề xuất phương án thứ hai, khác với phương án được Chính phủ đưa ra. Theo đó, thay vì quy định mang tính định tính “theo yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực giao”, thì cần giao Chính phủ quy định “cứng” một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập thanh tra sở, số còn lại giao UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và tổng số biên chế được giao của địa phương. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, quy định như vậy vừa bảo đảm sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy thanh tra sở trong phạm vi cả nước vừa đáp ứng được đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương, nhất là thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Việc cho phép thành lập thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế công tác này ở một số đơn vị có khối lượng công việc lớn, phức tạp, phạm vi theo dõi rộng. Nhưng, để bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, cơ quan chủ trì soạn sẽ phải tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để có những tiêu chuẩn rõ ràng, dễ xác định khi xem xét thành lập cơ quan này nếu được thông qua.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/khong-dan-deu-thanh-tra-nganh-linh-vuc-i289410/