Không dạy chữ P - sách Tiếng Việt lớp 1 lại gây tranh cãi
Mới đây, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ 'Kết nối tri thức với cuộc sống' của Nhà xuât bản Giáo dục Việt Nam, do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng chủ biên đã gây nhiều tranh cãi khi quyển sách này không đưa chữ 'P', âm Pờ vào giảng dạy cho học sinh. Vậy, câu chuyện cụ thể này như thế nào?
Trong bài 26 sách Tiếng Việt lớp 1, tập một, ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành cho rằng, việc không dạy âm "P" độc lập với tư cách là phụ âm trước mà chỉ dạy ghép chữ "P" và chữ "H" thành âm "Phờ" là một sai sót, ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Ông ĐÀO QUỐC VỊNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành Thành phố Hà Nội: "Việc không dạy các em chữ P độc lập là một thiếu sót cần sớm khắc phục bởi lẽ những từ mà PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng là những từ ngoại lai thực chất nó được thâm nhập vào Việt Nam hơn 1 thế kỷ nay, hoặc ít nhất vài chục năm nay đặc biệt trong thời kỳ khoa học công nghệ như như cà phê, piano được đưa vào từ điển Tiếng Việt."
Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, việc không đưa âm /Pờ/ độc lập vào sách Tiếng Việt của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” là bất hợp lý.
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐẠT, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông: "Nếu như ta kết luận âm /Pờ/ mượn tiếng nước ngoài cũng phải xem xét lại nhưng giả dụ cho rằng quan niệm đó được thừa nhận tình hình khác xưa nhiều. Ví dụ trong giai đoạn hiện nay do phát triển khoa học kỹ thuật, giao lưu hội nhập quốc tế , những từ tiếng nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều và những từ đó trong những thuật ngữ thường dùng không ít có âm /Pờ/ mở đầu âm tiết vì vậy không dạy thì sau này học sinh sẽ có nhiều khó khăn."
Điều đáng nói, hiện nay một số địa danh, tên riêng của một số địa phương lại có cả chữ P, âm /Pờ/, vì vậy việc không đưa chữ cái này giảng dạy cho học sinh, đặc biệt là 54 dân tộc anh em là những thiếu sót cần phải kịp thời sửa chữa và rà soát lại.
Bà LEO THỊ LỊCH, Ủy viên thường trực, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Trong quyển sách này không được phiên âm độc lập mà dạy ghép luôn chữ PH, tôi e rằng P chữ cái độc lập là nó không được phù hợp cho học sinh khi phát âm những từ không có chữ ghép các cháu sau này là phiêm âm ra từ mang tính địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số rất khó cho các cháu khi viết những địa danh đấy."
Cuốn sách tiếng việt tập một bộ chân trời sáng tạo cũng do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng tổng chủ biên nhưng lại có cách dạy hoàn toàn khác đó là chữ P, âm /Pờ/ lại được dạy độc lập hoàn toàn, đứng riêng ra mà không phải giống bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Vậy, 1 trong 2 bộ sách này cái nào dạy đúng, cái nào có sự sai sót nhất định cần có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu cũng như ngành giáo dục trong vấn đề này.
Thực hiện : Phạm Cường Ngọc Tuấn
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khong-day-chu-p-sach-tieng-viet-lop-1-lai-gay-tranh-cai