Không dễ 'áp' vào thực tế

Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Trong đó, luật quy định rõ về đối xử nhân đạo với vật nuôi từ khâu chăn nuôi, vận chuyển đến giết mổ.

Các lò giết mổ trái phép đều không đảm bảo các quy định mới trong Luật Chăn nuôi. Trong ảnh: Một cơ sở giết mổ trái phép tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh:B. Nguyên

Các lò giết mổ trái phép đều không đảm bảo các quy định mới trong Luật Chăn nuôi. Trong ảnh: Một cơ sở giết mổ trái phép tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh:B. Nguyên

Riêng điều 71 của luật quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ nêu rõ: Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; và phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

* Khó với cơ sở nhỏ lẻ

Chỉ còn vài ngày nữa là Luật Chăn nuôi có hiệu lực và các cơ sở giết mổ phải thực hiện ngay những quy định trên. Nhưng hiện tại, đa số các cơ sở giết mổ, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ có nơi chưa biết thông tin, có nơi cho thấy sẽ phát sinh nhiều sự lúng túng trong thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Nhất (huyện Tân Phú) cho biết hiện nay cơ sở vẫn chưa nắm được thông tin về quy định mới này. Từ trước đến nay, cơ sở vẫn thực hiện việc làm ngất heo trước khi giết mổ, nhưng chưa thực hiện được giải pháp không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ do các chuồng chứa heo nằm sát nhau. “Khi luật có hiệu lực, tôi sẽ làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đảm bảo đúng yêu cầu cần thiết” - ông Dũng cho biết.

Luật Chăn nuôi cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu về sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi.

Cùng quan điểm sẽ thực hiện theo luật nhưng ông Hoàng Văn Tham, chủ Cơ sở giết mổ Lifsap Hoàng Văn Tham (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) lại cho rằng, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không dễ thực hiện ngay các quy định mới trên vì phải đầu tư lại về công nghệ. Theo ông Hoàng Văn Tham, cái khó nhất là thực hiện các biện pháp chích điện hoặc gây ngạt bằng khí CO2 trước khi giết mổ đồng nghĩa với việc nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện nay phải đầu tư hệ thống chích điện hay phòng gây ngạt đạt chuẩn.

Ngoài ra, các cơ sở phải đầu tư lại khu chuồng trại nuôi nhốt heo lớn hơn thì mới có thể đảm bảo yêu cầu không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Những yêu cầu trên không chỉ làm phát sinh chi phí đầu tư chuyển đổi mà chi phí giết mổ cũng có thể tăng lên khiến các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không dễ ứng dụng ngay. “Tôi có tìm hiểu nhưng vẫn khá e dè trong thực hiện, chờ các cơ sở giết mổ lớn khác ứng dụng trước để đi học tập cũng như các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể trong thực hiện” - ông Tham nói.

* Sẽ chấn chỉnh hoạt động giết mổ

Một số cơ sở giết mổ đã quan tâm thực hiện các biện pháp giết mổ nhân đạo theo thông lệ quốc tế trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì chủ động hơn trong thực hiện các quy định mới.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ Trang trại tổng hợp Nguyễn Văn Cảnh (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) nhập bò Úc về nuôi vỗ béo rồi tổ chức giết mổ đưa đi tiêu thụ. Ông Cảnh cho biết, để đạt tiêu chuẩn nhập khẩu bò Úc, cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu khắt khe về đối xử nhân đạo với vật nuôi từ quy trình nuôi, vận chuyển đến giết mổ. Cơ sở hiện đang dùng phương pháp bắn vật nuôi trước khi giết mổ. Tuy nhiên theo ông Cảnh: “Những quy định của luật mới, chúng tôi cũng chưa nắm rõ nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện khi có cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể hơn”.

Là cơ sở giết mổ đã chủ động thực hiện quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi từ trước, ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Từ lâu, cơ sở của tôi đã thực hiện đúng với quy trình của Luật Chăn nuôi. Trước khi giết mổ, cơ sở gây ngất vật nuôi bằng xung điện nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến những con khác đang chờ giết mổ”.

Dưới góc nhìn của cơ quan chức năng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết, hiện đa số các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh đều thực hiện gây ngất bằng cách chích điện, chỉ còn số ít lò mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo tốt. Tuy nhiên, những quy định về việc lưu giữ, vận chuyển gia súc đưa vào lò mổ hoặc không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định, nhất là với các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ.

Ông Quang khẳng định, vì luật đã quy định nên các cơ sở giết mổ phải thực hiện. Sau khi thông tư có hiệu lực, chi cục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các chủ lò mổ điều chỉnh, bố trí lại nơi nuôi nhốt, giết mổ gia súc để đảm bảo chúng không nhìn thấy đồng loại bị giết mổ. Ông Quang cho biết thêm: “Cần có giai đoạn quá độ để thực hiện, yêu cầu nào khắc phục được ngay sẽ thực hiện trước; riêng về chuồng trại thì sẽ cần thời gian để các lò mổ điều chỉnh, sửa chữa cho đúng quy định”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/doi-xu-nhan-dao-voi-vat-nuoi-trong-giet-mo-khong-de-ap-vao-thuc-te-2980195/