Không để báo chí lỡ 'chuyến tàu' AI

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá lớn trong lĩnh vực truyền thông, các chuyên gia tại Hội thảo 'Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh', do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 15/5 chung nhận định: Báo chí Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với công nghệ để không bỏ lỡ 'chuyến tàu' cách mạng trí tuệ nhân tạo AI.

Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh", do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Ảnh: Phạm Hùng

Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh", do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Ảnh: Phạm Hùng

"Chuyến tàu" cách mạng trí tuệ nhân tạo

Nhận định về xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành báo chí, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân nhấn mạnh, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã có những trợ lý AI với khả năng vận hành toàn diện một quy trình sản xuất tin tức mà không cần sự tham gia trực tiếp của nhân sự.

"Ví dụ, một hệ thống trợ lý AI có thể tự động viết bài, tìm kiếm hình ảnh minh họa, rồi đăng bài lên hệ thống một cách hoàn chỉnh. Điều này đã được kiểm chứng thực tế tại phòng nghiên cứu của một số cơ quan báo chí, với năng lực tạo ra hàng trăm bài viết mỗi ngày. Dĩ nhiên, hiệu quả và số lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc vào việc đầu tư các yếu tố công nghệ như tốc độ xử lý, công suất hạ tầng và chi phí sử dụng các mô hình AI" - nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho hay.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu các đơn vị vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ của bên thứ ba thì thường phải trả khoản phí bản quyền hoặc sử dụng dịch vụ, chẳng hạn như khi dùng nền tảng ChatGPT hoặc các mô hình tương tự. Tuy nhiên, khi có thể tự chủ được công nghệ này, các tòa soạn hoàn toàn có khả năng vận hành cơ bản mà chi phí đầu tư thấp.

"Tôi từng chứng kiến một mô hình thực tế, khi chỉ cần đầu tư một khoản chi phí vừa phải trong một tháng là có thể duy trì toàn bộ hoạt động của một tờ báo với sự tự động hóa cao, không đòi hỏi nhiều nhân sự như trước đây" - ông Nguyễn Hoàng Nhật thông tin thêm.

Hiện nay, trên thị trường cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tự động hóa cho báo chí với mức giá cạnh tranh, từ hàng chục triệu đồng mỗi tháng đến những gói giải pháp tổng thể lên đến hàng tỷ đồng tùy mức độ tích hợp kỹ thuật và quy mô vận hành. Xu hướng này khiến nguy cơ thay thế lao động truyền thống trong ngành báo chí ngày càng rõ nét, đặc biệt khi các nhà phát triển AI liên tục cập nhật, bổ sung tính năng mới cho các hệ thống.

Nêu ví dụ cụ thể, Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân đề cập, đối với công nghệ của Google, hiện tại, tuy các sản phẩm AI chưa chính thức triển khai ở thị trường Việt Nam, nhưng trong môi trường phòng thí nghiệm, Google đã phát triển rất nhiều mô hình AI với năng lực vượt trội. Song, sự xuất hiện mạnh mẽ của các sản phẩm đến từ Trung Quốc cũng tác động đến thị trường, khiến các nhà phát triển toàn cầu đẩy nhanh quá trình phát hành hàng loạt Chatbot và công cụ AI mới.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân chia sẻ về AI tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân chia sẻ về AI tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Gần đây, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đã công khai thử nghiệm một Chatbot tạo nội dung hoàn toàn miễn phí trên trang cá nhân, cho thấy chuyển động rõ rệt của công nghệ trong lĩnh vực báo chí. Nếu trước đây, việc sản xuất một nội dung Podcast hay tổ chức đối thoại cho 2 người phải mất hàng giờ ghi hình, chỉnh sửa, thì nay, các công cụ AI có thể tự động tạo ra cuộc trò chuyện tự nhiên bằng tiếng Việt chỉ trong vòng vài phút.

Việc áp dụng các Chatbot và công cụ tự động hóa giúp báo chí phản ứng nhanh trong sản xuất nội dung khi có sự kiện lớn, như việc khai thác thông tin từ các nghị quyết kinh tế hoặc các tài liệu dài. Trước đây, phóng viên thường phải mất nhiều giờ đọc tài liệu, ghi chú, thì nay, các công cụ AI có thể nhanh chóng phân tích, đưa thông tin cốt lõi ra các đầu mục, hỗ trợ phóng viên biên tập hiệu quả hơn.

Dẫn nhận định của Ladina Heimgartner - CEO Ringier Group: "Ngành truyền thông đã lỡ tàu trong cách mạng công nghệ, nên đừng để lỡ tàu một lần nữa trong cuộc cách mạng AI", ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh, nếu còn chậm chân như thời bùng nổ Google và Facebook, báo chí sẽ tiếp tục mất vị thế.

Theo khảo sát quốc tế, từ tháng 2/2024 đến tháng 2/2025, lưu lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm tới báo chí giảm khoảng 30%, có thị trường giảm tới 50%. Nguyên nhân là độc giả thay đổi thói quen, thay vì dùng Google để tìm kiếm, họ tiếp cận thông tin trực tiếp qua các Chatbot mà không qua bước trung gian click vào đường dẫn nữa.

AI là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế vai trò dẫn dắt, sáng tạo của nhà báo

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng mang lại những hệ lụy, như việc tràn lan các sản phẩm nội dung kém chất lượng - thường gọi là "AI shop" - hoặc việc tạo dựng, phát tán video giả mạo nhằm mục đích lợi dụng tình thương và quyên tiền. Điển hình là một video về động đất ở Myanmar từng đạt tới 8 triệu lượt xem nhưng thực tế 90% nội dung là do AI dựng lên. Khảo sát tại Việt Nam cũng chỉ ra phần lớn độc giả vẫn còn dè dặt với các nội dung do AI tạo ra, và tỷ lệ thực sự sẵn sàng tiếp cận còn thấp.

Vừa qua, có một tạp chí lớn tại Mỹ bị phát hiện dùng AI viết bài nhưng không xóa dòng lệnh kiểm thử, khiến uy tín báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này cảnh báo về nguy cơ độc giả quay lưng với báo chí nếu phóng viên, biên tập viên quá lạm dụng công cụ trí tuệ nhân tạo mà không kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm định chất lượng.

Ở các nước phát triển, các tổ chức báo chí đã ứng dụng AI vào công tác phân tích hành vi độc giả, từ đó lựa chọn các bài thu phí nổi bật để tối ưu doanh thu. Đặc biệt, AI có khả năng xử lý dữ liệu lớn để dự đoán nhu cầu, sở thích của từng cá nhân, giúp phát triển nhóm độc giả trung thành một cách hiệu quả.

Đại biểu trải nghiệm không gian AI tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh". Ảnh: Phạm Hùng

Đại biểu trải nghiệm không gian AI tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh". Ảnh: Phạm Hùng

Còn tại Việt Nam, các tòa soạn như Báo Kinh tế & Đô thị đã có bước chuyển đổi mạnh trong việc ứng dụng công nghệ AI - đặc biệt là hệ thống Chatbot hỗ trợ phóng viên tra cứu, tổng hợp nội dung. Các báo từng gặp lỗi về bản quyền ảnh hoặc bị phê bình do sơ suất lấy hình minh họa không phù hợp, thì với AI tạo ảnh tổng hợp, vấn đề này đã được giải quyết căn cơ, giúp hạn chế các sai sót nhạy cảm.

Ngoài ra, AI còn giúp tự động hóa công đoạn vẽ biểu đồ, xử lý số liệu, hỗ trợ xây dựng các kế hoạch truyền thông mà trước đây từng lệ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn như các đơn vị truyền thông đa quốc gia. Việc xây dựng bảng giá, sản xuất nội dung đa phương tiện, thậm chí là dựng video, đã có thể thực hiện nhanh chóng thông qua các công cụ AI mà không cần phần mềm chuyên biệt phức tạp như trước.

Lễ ra mắt Tòa soạn hội tụ và Hệ sinh thái số Báo Kinh tế & Đô thị tháng 10/2024

Lễ ra mắt Tòa soạn hội tụ và Hệ sinh thái số Báo Kinh tế & Đô thị tháng 10/2024

Theo lời khuyên của chuyên gia quốc tế, cần xem AI là trợ lý bổ trợ cho hoạt động báo chí, hỗ trợ con người trong các tác vụ lặp đi lặp lại, phân tích dữ liệu phức tạp, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò dẫn dắt, sáng tạo và kiểm duyệt chuyên môn của nhà báo.

"Tôi từng áp dụng AI trong sản xuất bài viết liên quan công tác đối ngoại, nhờ các công cụ phân tích và tóm tắt tài liệu, tôi giảm được đáng kể thời gian xử lý, nâng cao chất lượng trình bày cũng như kịp tiến độ giao nộp nội dung" - nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.

Một số công cụ AI hỗ trợ sản xuất đồ họa thông tin, sơ đồ tư duy, bản tin infographic… cũng đã minh chứng khả năng sáng tạo và tối ưu hóa quy trình làm báo hiện đại, giúp phóng viên dễ dàng chuyển đổi ý tưởng thành sản phẩm trực quan chỉ trong vài phút, thay vì phải thực hiện thủ công nhiều giờ đồng hồ như trước đây.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho ngành báo chí nước ta. Nếu biết tận dụng hợp lý, kết hợp tinh thần đổi mới sáng tạo, báo chí Việt Nam hoàn toàn có thể thích ứng linh hoạt, phát huy vai trò trong giai đoạn chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả hiện đại.

Nhiên Nhiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-bao-chi-lo-chuyen-tau-ai.704979.html