Cần từ bỏ thói quen cũ!
Thói quen không tốt nào cần loại bỏ vậy NXD?

Tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra trên các cánh đồng tại Quảng Nam.
- Là việc đốt rơm rạ khi vệ sinh đồng ruộng đó Tư Nông dân.
- Ủa, bao đời nay nhà nông như Tư đây đều đốt rơm rạ khi vệ sinh đồng ruộng để diệt sâu bọ. Điều đó có gì là không tốt?
- Cách nghĩ đó cũ rồi. Thời buổi này, rơm rạ cũng có thể biến thành tiền đấy, như làm phân hữu cơ, làm nấm… Quan trọng hơn, thay đổi thói quen đốt rơm rạ vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, giảm đa dạng sinh học, biến đổi thành phần cơ học của đất.
- Vậy sao, mấy cái ni nghe mới hè!
- Này nhé, mỗi năm nước ta phát sinh khoảng 47 triệu tấn rơm rạ, nhưng chỉ có khoảng 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây... Với 40 triệu tấn rơm rạ khi đốt sẽ phát thải ra môi trường khoảng 50 triệu tấn khí thải. Việc đốt, vùi rơm rạ vào đất gây tăng phát thải khí mê-tan, khí thải nhà kính, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và giảm đa dạng sinh học, biến đổi thành phần cơ học của đất...
- Thế làm gì để người nông dân từ bỏ thói quen canh tác này?
- Để làm được việc này, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi hội thảo khoa học về tác hại của việc đốt rơm rạ. Ngoài ra, các cơ quan cần hướng dẫn người dân cách làm phân hữu cơ, làm nấm, thức ăn gia súc… để tạo thêm thu nhập từ phế phẩm rơm rạ nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân một cách bền vững. NXD thiết nghĩ, cần phải triển khai ngay để phát huy được thế mạnh từ loại phế phẩm này là vừa mang lại lợi ích cho chính người dân vừa góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/can-tu-bo-thoi-quen-cu-post313153.html