Không để bất cập, lãng phí
Góp ý Luật Khám chữa bệnh (KCB) mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), nơi tập trung đông công nhân (CN) thuộc nhóm đối tượng cần ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư, xây dựng cơ sở KCB.
Đây là vấn đề lẽ ra nên bàn từ rất lâu rồi, bởi theo quy định, các KCN phải dành 10% quỹ đất dịch vụ để xây dựng công trình dịch vụ thiết yếu, trong đó có dịch vụ y tế cho CN. Qua khảo sát, đa số doanh nghiệp đều đồng ý sử dụng dịch vụ nếu có cơ sở KCB trong KCN. Hiện cả nước có gần 400 KCX-KCN với khoảng 7 triệu lao động đang làm việc song chưa có mô hình trung tâm y tế trong KCN. Việc mở ra các cơ sở KCB trong KCN là cần thiết, góp phần chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ CN.
Thực tế cho thấy cũng từng có những mô hình khai sinh, tồn tại bên cạnh các xí nghiệp trong suốt quá trình phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, mô hình nhà trẻ bên cạnh xí nghiệp. Một thời ở TP HCM, nhà trẻ bên cạnh xí nghiệp của các công ty: Dệt Đông Nam, Dệt Việt Thắng… là những điển hình về chăm lo cho đội ngũ CN. Nhưng các nhà trẻ bên cạnh xí nghiệp này teo tóp dần khi bước vào kinh tế thị trường vì các công ty không thể bao cấp mãi, gồng gánh hết cho CN mà đây là việc của ngành giáo dục, từ trả lương giáo viên đến trang thiết bị học tập, chịu trách nhiệm chuyên môn. Chưa kể các nhà trẻ tư nhân dựng nên rồi các nhóm trẻ gia đình gần nơi cư ngụ của CN để CN gửi con vào.
Khi lập các KCN, vấn đề dựng trường mẫu giáo cũng được đặt ra nhưng vì nhiều lý do mà các KCN vắng bóng nhà trẻ, trường mẫu giáo. Chuyện này cũng tương tự quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng nhiều nơi bỏ ngỏ hoặc có làm nhưng không ai giám sát nên chuyển qua nhà ở thương mại hồi nào không hay.
Nay đặt lại là đúng, nhất là những nơi xây dựng các thiết chế Công đoàn, cần đưa mô hình này vào thực tế, nhất là các KCN, nơi tập trung đông đảo CN - lao động. Nhưng cũng không nên duy ý chí, "trăm hoa đua nở", KCN nào cũng có cơ sở KCB, mà khảo sát đúng nơi cần có để không nơi thừa nơi thiếu. Đồng thời phải quy hoạch, phù hợp nhu cầu và điều kiện trong KCN đáp ứng được. Việc xây dựng các cơ sở KCB vừa không chỉ cho KCN mà còn tương tác, hỗ trợ với địa phương trong KCB cho nhân dân và đông đảo người lao động. Qua đó, nâng tầm cơ sở y tế, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người lao động và nhân dân.
Thực thi những việc này phải có kế hoạch, dự án và tầm nhìn, nhất là có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, ban quản lý các KCN và ngành y tế. Tất cả phải đồng bộ, phải vì mục tiêu cấp bách và lâu dài, vì mục đích chung là phục vụ trước, sinh lợi sau, không làm vì chỉ với lợi ích cục bộ đơn thuần mà bỏ qua các điều kiện quan trọng khác, nhất là dân sinh, sức khỏe cộng đồng. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng bất cập, nơi cần không có, nơi có không cần, thậm chí không sử dụng hết công năng hoặc không đúng hoặc sau đó ngưng trệ thì sẽ gây nên tình trạng lãng phí nguồn lực, của cải xã hội.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/khong-de-bat-cap-lang-phi-20221209224218454.htm